Hơn hai tháng kể từ khi Viêt Nam có ca nhiễm đầu tiên vào ngày 22-1, chưa bao giờ Sài Gòn có đầu tuần vắng lặng như hôm nay (30-3).
Đường Hàn Thuyên (quận 1) với dãy quán cà phê, nhà hàng vắng lặng vào 10 giờ sáng 30-3. Ảnh: QT
Nhiều người ở nơi khác thường hỏi Sài Gòn đang ra sao? Sài Gòn yên lặng. Sài Gòn không còn những quán ăn sáng đông đúc, thiếu những chiếc dù che nắng đi ăn trưa từ cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại vắng bóng người, những quán cà phê đóng cửa… Sài Gòn im cả những tiếng rao.
Từ 1-4, tất cả địa phương trên cả nước sẽ ngưng phát hành vé số đến 15-4; Sài Gòn càng thêm vắng những con người len lỏi từ đường phố đến con hẻm nhỏ bán vé số.
Cheo Leo, quán cà phê vợt lâu đời nhất Sài Gòn, cũng đóng cửa, chỉ bán mang đi từ ngày 23-3. Ảnh: QT
Thế nhưng giữa cơn đại dịch, rất nhiều người đã nhắc đến cụm từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Rất nhiều doanh nghiệp khó khăn nhưng họ vẫn chung tay cùng chia sẻ với cộng đồng vượt qua đoạn đường gian nan này. Rất nhiều doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xã hội: Tặng khẩu trang, tặng gel rửa tay, tặng phòng cách ly, tặng trang phục bảo hộ chống dịch… Cùng với trách nhiệm cộng đồng thì họ cũng đã và đang cố gắng làm rất tốt những trách nhiệm với nhân viên, đội ngũ đã và đang đồng cam cộng khổ với mình.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ vắng lặng vào 20 giờ 30 phút tối 28-3. Ảnh: QT
Chị Nguyễn Mỹ Trang, chủ Công ty TNHH Quảng cáo và Giải trí Mỹ Thanh, chia sẻ trên Facebook cá nhân: “Sáng nay (30-3), mình vừa làm xong một việc, vốn rất là bình thường trong hoạt động doanh nghiệp, nhưng lại trở nên rất đáng tự hào trong thời điểm này: Ký bảng lương cho 65 nhân viên của Mỹ Thanh...
Có rất nhiều cách khác nhau để một doanh nghiệp có thể đóng góp chung tay cùng xã hội chiến đấu với COVID-19, mình thì “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, lựa chọn cách trước tiên là đảm bảo đời sống cho chính các nhân viên của mình trước đã.
Cùng nắm tay nhau, chắc chắn chúng mình sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này, sẽ càng yêu thương nhau hơn, xích lại gần nhau hơn, và trở thành một tập thể vô cùng mạnh mẽ, chờ đến ngày quay trở lại…".
Doanh nhân Lê Đăng Khoa sau khi chống chọi với những khó khăn riêng của doanh nghiệp đã bắt tay cùng bạn bè đem đến đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu 10.000 phần nước cam tươi và bánh tiếp sức cho đại dịch COVID-19. Ảnh: Q.T
Trong khi đó, Trung tâm Công nghê y khoa DNA lại có chính sách chăm lo cho nhân viên cũng rất khác. Họ mua tặng gói bảo hiểm COVID-19 cho nhân viên: Trong trường hợp nhân viên có kết quả xét nghiệm từ cơ quan có thẩm quyền thông báo kết quả “dương tính” thì được chi trả theo quyền lợi hợp đồng bảo hiểm.
Đơn vị này cũng cho phép làm việc tại nhà đối với nhân viên có yếu tố nguy cơ, dịch tễ hoặc có biểu hiện tương tự COVID-19: Không trừ phép, hưởng đầy đủ chính sách quyền lợi. Và, họ cũng đươc tính 30% lương trong trường hợp cách ly tập trung bắt buộc.
Hay trong một chia sẻ, chị Phan Mỹ Châu, phụ trách truyền thông của Jet Studio, viết: “Sáng nay họp sếp nói công ty có quỹ dự phòng đủ để trả lương cho nhân viên trong mùa dịch. Mùa dịch vẫn làm việc, vẫn hưởng lương 100% không sứt mẻ, có phải là một may mắn hơn hàng triệu người rồi không?”.
Đúng thật suốt thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp các ngành giải trí, tổ chức sự kiện, dịch vụ… đều điêu đứng. Nên cắt giảm nhân sự hay đóng cửa công ty đều là những bài toán được các doanh nghiệp đặt ra, bởi không ai có thể trả lời đại dịch sẽ diễn ra bao lâu, chúng ta đang ở đâu giữa đại dịch COVID-19 này?
Ngã tư Võ Văn Tần - Nam Kỳ Khởi Nghĩa với trường Lê Quý Đôn (trái) và khách sạn Victory (phải) vào 10 giờ 30 sáng 30-3. Ảnh: Q.T
Thời gian qua, những cụm từ được nhắc nhiều nhất là: Làm việc ở nhà (work from home), họp trực tuyến, dạy trực tuyến… tức chúng ta còn được làm việc, mỗi người vẫn còn may mắn. Có lẽ chúng ta hãy biết ơn vì mình còn có công việc, công ty mình vẫn còn trụ vững để làm việc, trả lương đủ cho mình, thậm chí mua cho mình thêm chiếc khẩu trang, chai nước rửa tay, ly nước cam hay gói bảo hiểm nho nhỏ dành riêng cho COVID-19.
Bởi có thể hôm nay, ngày mai chúng ta không còn nhiều tiền nữa nhưng chúng ta còn lại tình đồng nghiệp, tình người.
Cửa Đông chợ Bến Thành (đường Phan Bội Châu) không còn chợ đêm, không một bóng người vào 21 giờ tối 28-3. Ảnh: Q.T
Thật sự, càng đô thị lớn, khi có dịch bệnh, khi có sự cố, sự đối diện, xử lý, đưa nó trở lại quỹ đạo bình thường sẽ khó khăn hơn.
Thế nhưng, trong một góc nhìn khác, với những người còn công việc, khi làm việc ở nhà, ai cũng nói cuộc sống như chậm lại. Chúng ta có thời gian dành cho bản thân một cách tự nhiên hơn: Không trang điểm, không vùi đầu vào máy tính, không ào ào máy lạnh, không ăn vội bên đường… chúng ta gần cây cỏ, con cái. Những chỉ số màu xanh trên app AirVisual làm chúng ta thấy đời sống thân thiện hơn.
Sau đại dịch, có thể chọn lựa thay đổi trong mỗi người, mỗi doanh nghiệp là sự gần gũi môi trường hơn? Trong ảnh: Công viên Tao Đàn vào 17 giờ ngày 16-3. Ảnh: Q.T
Chúng ta đang sống với sự tiến bộ của khoa học, dịch bệnh càng cho thấy thêm sự tiến bộ đó nhưng có thể sau đại dịch này sự tiến bộ phải hiểu cách khác hơn? Nói như nhà văn hóa Daisaku Ikeda khi đối thoại cùng sử gia Arnold Toynbee trong tác phẩm Lựa chọn cuộc sống - Đối thoại cho thế kỷ XXI, thì: “Khoa học kỹ thuật không nhất thiết phải được dùng để chinh phục, thống trị thiên nhiên mà tất cả sinh vật đang sống. Ngược lại, khoa học phải được dùng để con người hoà mình vào nhịp điệu thiên nhiên, phát huy tối đa và trọn vẹn cách sống với giai điệu đó”.
Đôi khi kế hoạch tương lai mỗi người, mỗi doanh nghiệp sau đại dịch này phải bền vững hơn bằng cách lắng nghe nhịp điệu của thiên nhiên quanh mình rồi thích nghi với nó để tránh đi những “nhân tai hiện lên dưới hình thái thiên tai” (từ dùng của Daisaku Ikeda).