Hãng thông tấn của Trung Quốc (TQ) Tân Hoa Xã hơn một tuần trước cho biết chính quyền Bắc Kinh đã đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Động thái gây hấn của TQ diễn ra khi thế giới đang tập trung chống đại dịch COVID-19. Đại sứ - PGS-TS Nguyễn Hồng Thao, thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc (ILC), nhận định: “Các trạm nghiên cứu này không chỉ đơn thuần là các trạm nghiên cứu san hô”.
Nghiên cứu khoa học biển phải đúng luật
. Phóng viên: Ở góc độ luật pháp quốc tế, nên hiểu việc nghiên cứu khoa học trên biển, trạm nghiên cứu khoa học trên biển là như thế nào, thưa đại sứ?
+ Đại sứ - PGS-TS Nguyễn Hồng Thao: Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) dành cả phần XIII để quy định về nghiên cứu khoa học biển (NCKHB) nhưng rất tiếc công ước chưa đưa ra định nghĩa chính thức về hoạt động này.
Theo tinh thần của UNCLOS, NCKHB được hiểu là tất cả hoạt động được tiến hành trong đại dương cũng như vùng ven biển nhằm mở rộng hiểu biết về môi trường biển và các quá trình biến hóa của nó, có sự phân biệt giữa các hoạt động khảo sát khí tượng thủy văn với các hoạt động quân sự, kể cả các cuộc khảo sát quân sự.
Trong khi đó, “trạm nghiên cứu khoa học” được hiểu là công trình, thiết bị được xây dựng nhằm mục đích tiến hành các nghiên cứu khoa học. Các trạm nghiên cứu khoa học có thể được đặt trên đất liền, hải đảo, đại dương, cũng như trong không gian, vũ trụ. Trạm nghiên cứu khoa học trên biển là công trình, thiết bị được xây dựng nhằm mục đích tiến hành các NCKHB và cả trên vùng trời trên các vùng biển. Vị trí đặt trạm phải tuân thủ các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển (QGVB) mà UNCLOS đã trù định.
NCKHB trước hết là để phục vụ mục đích hòa bình. Tất cả quốc gia, tổ chức quốc tế có thẩm quyền đều có quyền tiến hành NCKHB. Tuy nhiên, phải tuân thủ điều kiện tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán về NCKHB của QGVB.
. Áp dụng vào trường hợp Trường Sa, Hoàng Sa, hoạt động NCKHB phải đảm bảo những yêu cầu pháp lý nào?
+ Có ba trường hợp. Thứ nhất, trạm nghiên cứu khoa học được đặt trên đảo thuộc chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ của QGVB. Khi đó, chỉ QGVB mới được đặt hoặc cho phép rõ ràng các quốc gia khác hoặc tổ chức khoa học nước ngoài đặt trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của QGVB và thỏa thuận hợp tác khoa học nhằm mục đích hòa bình.
Thứ hai, trong vùng lãnh hải, QGVB thực hiện chủ quyền. QGVB có đặc quyền quy định, cho phép và tiến hành các công tác NCKHB ở trong lãnh hải của mình. Mọi nghiên cứu chỉ được tiến hành với sự thỏa thuận rõ ràng của QGVB và trong các điều kiện do quốc gia này ấn định. Việc đi vào lãnh hải và các điều kiện phải tuân thủ khi tiến hành NCKHB sẽ phải chịu sự kiểm soát của QGVB (các điều 21.1.g, 19.2.j, 40, 54 và 258-265 của UNCLOS). Tàu thuyền thực hiện quyền qua lại trong lãnh hải không gây hại không được tiến hành hoạt động NCKHB nếu không có sự đồng ý rõ ràng của QGVB.
Hình ảnh các tháp radar, nhà chứa máy bay và tòa nhà năm tầng do Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Ảnh: NYT
Thứ ba, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và trên thềm lục địa, QGVB chỉ có quyền tài phán về NCKHB. Vì vậy, hoạt động này được tiến hành với sự thỏa thuận của QGVB. QGVB sẽ không khước từ một cách phi lý hoạt động NCKHB. Thay vào đó, thông qua các thủ tục và quy tắc đảm bảo, hoạt động NCKHB sẽ được cho phép thực hiện trong những thời hạn hợp lý nhằm vào những mục đích hoàn toàn hòa bình, tăng thêm kiến thức khoa học về môi trường biển, vì lợi ích của toàn thể loài người. Trong EEZ và thềm lục địa, QGVB có quyền tài phán không chỉ đối với các nghiên cứu ứng dụng mà còn đối với cả các nghiên cứu cơ bản, không phân biệt.
. Cần đảm bảo những nguyên tắc nào khi thực hiện NCKHB?
+ Công tác NCKHB phải: (i) được tiến hành nhằm vào mục đích hòa bình; (ii) được tiến hành bằng cách dùng các phương pháp và phương tiện khoa học thích hợp phù hợp với công ước; (iii) không được cản trở một cách vô lý các hoạt động sử dụng biển khác; (iv) được tiến hành theo đúng mọi quy định tương ứng được thông qua để thi hành UNCLOS, kể cả các quy định nhằm bảo vệ và giữ gìn môi trường biển; (v) không tạo ra cơ sở pháp lý cho một yêu sách nào đối với một bộ phận bất kỳ của môi trường biển hay của các tài nguyên của vùng biển đó.
Trung Quốc đã hoàn toàn phạm pháp
. Hành vi xây dựng trạm nghiên cứu khoa học mà TQ thực hiện tại đá Chữ Thập và Subi sai trái như thế nào?
+ Dựa theo các phân tích trên về hoạt động NCKHB thì việc TQ công bố xây dựng hai trạm nghiên cứu đặt ở Subi và Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa) là vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Chính vì vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 26-3 đã khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải có sự cho phép của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực, cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) giữa ASEAN và TQ”.
. Mục tiêu của TQ đằng sau những hành vi sai trái này là gì?
+ Đây là động thái nằm trong chuỗi hành động với mục tiêu khẳng định sự có mặt của TQ ở biển Đông, tiến tới độc chiếm kiểm soát vùng biển này. Vị trí các trạm mới đặt tại đá Chữ Thập và đá Subi lần này cùng trạm đặt trái phép trên đá Vành Khăn năm 2018 sẽ tạo thế chân vạc giúp kiểm soát tất cả hoạt động biển ở quần đảo Trường Sa.
Các trạm nghiên cứu này không chỉ đơn thuần là các trạm nghiên cứu san hô vì chính TQ đã tàn phá các rạn san hô để mở rộng các bãi nửa nổi nửa chìm trên quần đảo Trường Sa, phá hoại môi trường biển. Điều này có trong phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS đã nói đến vào năm 2016. Thông tin được các trạm này thu thập không phục vụ cho mục đích hòa bình mà cho các hoạt động quân sự, làm phức tạp thêm tình hình trên biển Đông.
. Xin cám ơn đại sứ.
Lý do Trung Quốc hành động lúc này Đại sứ - PGS-TS Nguyễn Hồng Thao cho rằng hành động xây trạm nghiên cứu trái phép lần này nằm trong mục tiêu nhất quán của TQ nhằm độc chiếm biển Đông, vì vậy sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra. Thực tế TQ đã chuẩn bị các trạm nghiên cứu khoa học này từ tháng 1-2020, nên động thái lần này là có chủ đích từ trước. TQ rất giỏi trong việc tạo thời cơ và lợi dụng thời cơ. Hành động này xảy ra ngay sau khi TQ khống chế được dịch COVID-19 và các nước đang bận đối phó với dịch bùng phát. Mỹ và Philippines hủy tập trận hằng năm. Các mạng TQ liên tục vô lý và ngang ngược tố cáo tàu thuyền đánh cá Việt Nam xâm phạm vùng biển TQ đánh bắt cá trái phép. Sang tháng 4-2020 khi thời tiết tốt, không loại trừ TQ sẽ tiến hành nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các QGVB trong khu vực, biến mọi việc thành sự đã rồi. Từ đá Chữ Thập, tàu nghiên cứu khoa học của TQ có thể đi sâu vào vùng biển Cam Ranh. Chính vì vậy, Việt Nam cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ vững chắc vùng biển Việt Nam được hưởng phù hợp với luật pháp quốc tế. |