Giữa đường cấp cứu mới nhớ có trạm y tế

“Sốc mất máu do chấn thương, ngộ độc cấp, phỏng, dị vật đường thở, ngạt nước, điện giật… là những tai nạn thường xảy ra ở trẻ nhỏ và nguy hiểm tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Hiện nay tình trạng kẹt xe thường xảy ra, ảnh hưởng thời gian cấp cứu. Do vậy, các trạm y tế phường, xã sẽ là nơi tiếp nhận và cấp cứu tai nạn trẻ em rất kịp thời” - bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM, nêu quan điểm.

Thoát chết nhờ trạm y tế

Mới đây, Trạm Y tế phường Đông Hưng Thuận, quận 12 (TP.HCM) tiếp nhận bé NTTM (năm tuổi) trong tình trạng khó thở, tím tái, vật vã… Gia đình cho biết bé bị hóc hạt sapôchê và định đưa đi cấp cứu ở BV Nhi đồng 1 (TP.HCM). Tuy nhiên, do ngay giờ cao điểm, tuyến đường Trường Chinh luôn kẹt xe nên gia đình chở thẳng tới trạm y tế phường này.

Tại đây, nhận định bé M. còn khá tỉnh táo nên nhân viên y tế nhanh chóng quỳ tựa gối vào lưng bé rồi vòng hai tay ngang thắt lưng. Nhân viên y tế đặt một nắm tay tại vùng thượng vị ngay dưới xương ức, bàn tay kia đặt chồng lên rồi đột ngột ấn mạnh năm lần theo hướng trước ra sau và dưới lên trên. Cuối cùng, hạt sapôchê văng ra khỏi họng.

BS Nguyễn Đăng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 (đơn vị quản lý các trạm y tế trong quận), cho biết nếu gia đình đưa bé M. đến BV tuyến trên thì tính mạng sẽ nguy kịch do cấp cứu chậm.

Điều dưỡng Trạm Y tế phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TP.HCM) đang khám để lấy dị vật ra khỏi bé gái hai tuổi. (Ảnh chụp chiều 9-10) Ảnh: TRẦN NGỌC

Cách đây không lâu, Trạm Y tế phường 14, quận Gò Vấp (TP.HCM) tiếp nhận bé TMH (bốn tuổi) trong tình trạng thở yếu, tri giác lơ mơ… Người nhà cho biết khi chuẩn bị tắm cho bé thì điện thoại bàn reo nên để bé trong nhà tắm rồi ra nghe điện thoại. Khi quay vô, người nhà thấy bé úp mặt nổi trong bồn tắm to đầy nước nên lật đật đưa bé đi cấp cứu. Do đường tới BV khá xa nên người nhà đưa bé vô trạm y tế.

Ghi nhận bé H. còn thở nên nhân viên y tế nhanh chóng đặt nội khí quản để cung cấp ôxy và kiểm soát đường thở. Sau đó bé H. được chuyển lên BV tuyến trên để được chăm sóc tiếp. “Do xử lý kịp thời và đúng cách nên bé H. chẳng những được cứu sống mà còn không bị biến chứng não” - BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp (đơn vị quản lý các trạm y tế trong quận), cho biết.

Đừng để trạm y tế là… con ghẻ

“Quận Gò Vấp hiện có 16 trạm y tế phường với 22 BS. Tất cả BS đều được đào tạo cấp cứu nên có thể xử lý những tai nạn trẻ em. Tuy nhiên, do đa phần phụ huynh tin tưởng BV tuyến trên nên mỗi khi con em gặp nạn thì ít đưa vào trạm y tế để được cấp cứu” - BS Nguyễn Trung Hòa nói.

Đồng quan điểm, BS Nguyễn Đăng Tuyến cho biết không ít phụ huynh cho rằng trạm y tế phường là nơi tiêm ngừa, uống vitamin A, chống dịch bệnh, không phải nơi cấp cứu những tai nạn trẻ em. “Quận 12 có 11 trạm y tế phường với 22 BS đủ chuyên môn và kỹ năng cấp cứu theo đúng phác đồ. Tuy nhiên, số lượng trẻ em bị tai nạn đưa vào các trạm y tế phường cấp cứu không nhiều” - BS Tuyến cho biết.

“Tôi chứng kiến không ít trẻ tắt thở trước khi tới BV do quá trễ bởi kẹt xe. Nhiều trẻ mặc dù được cứu sống nhưng bị di chứng suốt đời, kể cả sống đời thực vật” - BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM, chia sẻ.

Theo BS Tiến, trạm y tế phường, xã là nơi gần dân nên có thể xử lý những tai nạn trẻ em nhanh nhất, giảm nguy cơ tử vong. Thế nhưng một thực tế xảy ra là không ít phụ huynh đến nay vẫn chưa tin tưởng vào năng lực của các trạm y tế. “Để tạo lòng tin cho các bậc phụ huynh, đòi hỏi nhân viên y tế ở các trạm y tế phải có kiến thức về cấp cứu trẻ em. Bên cạnh đó, nhân viên y tế cần nhận định đúng tình huống cấp cứu để đưa ra quyết định can thiệp nhanh và hiệu quả nhất. Có như thế mới tạo lòng tin cho các bậc phụ huynh” - BS Tiến nói.

Sáng 9-10, Sở Y tế TP.HCM khai giảng khóa đào tạo liên tục chuyên đề “Cấp cứu nhi khoa cơ bản” cho BS đang công tác tại các trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP.

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết khóa đào tạo nói trên nhằm nâng cao năng lực cấp cứu bệnh nhi cho các BS ở trạm y tế. Từ đó tạo niềm tin và thu hút phụ huynh đưa con em đến trạm y tế để cấp cứu khi tai nạn xảy ra. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm