Hen là bệnh lý hay gặp nhất ảnh hưởng đến thai phụ. Nhiều thai phụ cho rằng thai nghén sẽ ảnh hưởng đến bệnh hen mà họ đang mắc phải và việc chữa trị bệnh hen sẽ gây hại cho thai nhi. Tuy vậy, việc chữa trị bệnh hen tốt sẽ làm cho người mẹ ổn định bệnh, thai kỳ bình thường và trẻ được sinh ra khỏe mạnh.
Hen suyễn là một bệnh lý tương đối phổ biến với tỉ lệ phát bệnh ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Đáng lưu ý, trong thời kỳ mang thai, khoảng 30% người bệnh bị hen thường có diễn tiến bệnh nặng hơn là do tự ý ngừng tất cả các thuốc hen hay điều trị không đủ liều vì sợ tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, khi bệnh hen không được kiểm soát tốt và nhiễm virus hô hấp, tình trạng bệnh nặng hơn sẽ tác động xấu đến sức khỏe cả mẹ lẫn con.
ThS-BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, BV ĐH Y Dược TP.HCM, khám cho bệnh nhân. Ảnh: HP
ThS-BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết đa phần cơn hen cấp thường xảy ra ở tuần thứ 24-36 của thai kỳ. Các nguy cơ ở mẹ như tiền sản giật, cao huyết áp, xuất huyết âm đạo bất thường, nhiễm độc thai nghén, sinh non hay làm tăng tình trạng nôn nghén.
Bên cạnh đó, các nguy cơ đối với thai nhi gồm giảm ôxy từ mẹ đến nuôi bào thai gây chậm phát triển bào thai, sinh non, sinh nhẹ ký hoặc tăng tỉ lệ tử vong trong hoặc sau khi sinh. Những nguy cơ này gia tăng 30%-100% ở những người bị hen nặng, không kiểm soát hen tốt.
Nhằm bảo vệ sức khỏe của người bệnh hen suyễn khi mang thai để không lên cơn hen nguy hiểm lại vừa an toàn cho thai nhi, Trung tâm Chăm sóc hô hấp BV ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức buổi sinh hoạt câu lạc bộ người bệnh chuyên đề: “Kiểm soát hen tốt ở phụ nữ có thai”.
Đối tượng tham dự là người mắc bệnh hen, thân nhân và những người có quan tâm đến bệnh lý này trong cộng đồng. Qua đó, những tư vấn của các chuyên gia sẽ giúp người bệnh kiểm soát hen tốt nhất trong giai đoạn mang thai, sử dụng thuốc hợp lý đồng thời dự báo những diễn tiến có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ sinh con.
Thời gian vào lúc 8 giờ Chủ nhật (23-10) tại giảng đường 3A, lầu ba, khu A, BV ĐH Y Dược TP.HCM (215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP.HCM). Điện thoại đăng ký tham gia chương trình: (08) 3952 5189 - (08) 3952 5449.