Tôi năm nay 60 tuổi, đã nghỉ hưu. Vì lương hưu không đủ sống nên tôi muốn giúp việc nhà cho người quen để kiếm thêm thu nhập. Chủ nhà nói tôi cứ qua làm việc, mỗi tuần làm 5 ngày, mỗi tháng trả tôi 5 triệu đồng. Tôi muốn làm việc lâu dài nên đề nghị ký hợp đồng cho rõ ràng, sau này khỏi mất lòng nhau thì chủ nhà nói không cần ký hợp đồng, giúp việc nhà là công việc đơn giản chỉ cần thỏa thuận miệng là được rồi. Luật sư tư vấn giúp tôi, có phải lao động giúp việc nhà là công việc không cần ký hợp đồng lao động hay không?
Bạn đọc Kim Ngân (huyện Hóc Môn , TP.HCM))
Luật sư LẠI THỊ LỆ THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Điều 161, Điều 162 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động có quy định rất rõ lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.
Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
Khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Hình thức hợp đồng lao động ký kết phải bằng văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều 14 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật Lao động;
Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận.
Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở.
Trước khi ký kết hợp đồng lao động, người lao động và người sử dụng lao động có nghĩa vụ cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 của Bộ luật Lao động, đồng thời người sử dụng lao động phải cung cấp rõ các thông tin về phạm vi công việc phải làm, điều kiện ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động và những thông tin cần thiết khác liên quan đến việc bảo đảm an toàn sức khỏe trong việc thực hiện công việc mà người lao động yêu cầu;
Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, mỗi bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày, trừ các trường hợp pháp luật quy định không phải báo trước (quy định cụ thể tại Điểm d1, d2 Khoản 1 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cùng lúc với kỳ trả lương cho người lao động một khoản tiền bằng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trường hợp người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động làm giúp việc gia đình thì trách nhiệm trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động được thực hiện theo từng hợp đồng lao động.
Do đó, với trường hợp bạn trình bày, việc chủ nhà không đồng ý ký hợp đồng lao động là không đúng quy định bạn nhé.