Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 171/2013 về xử phạt giao thông, trong đó có nội dung cho phép nộp phạt trực tiếp cho CSGT đăng tải trên trang website Cục CSGT đường bộ, đường sắt - Bộ Công an để lấy ý kiến đã bất ngờ bị gỡ xuống.
Trước đây Bộ Công an từng cho phép cảnh sát giao thông được viết biên lai xử phạt trực tiếp người vi phạm giao thông, sau đó vì phát sinh tiêu cực nên việc này bị dừng lại. Ảnh: Bá Đô |
Sáng nay, trao đổi với PV về vấn đề này, thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, (Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt) cho biết, thông tin dự thảo được đăng lên nhằm lấy ý kiến rộng rãi của Bộ ngành và người dân. Rất nhiều ý kiến đã được gửi đến, trong đó không ít ý kiến một chiều, không mang tính xây dựng.
Phần nhiều ý kiến chỉ nói đến trách nhiệm của cảnh sát giao thông, chứ không nói đến ý thức và trách nhiệm của người dân như thế nào. "Thông thường nếu người vi phạm giao thông nộp phạt trực tiếp thì lấy hóa đơn, biên lai là xong. Có nhiều trường hợp muốn nhanh để đi, sau đó lại tố, lại kêu cảnh sát thế này thế kia", ông Tuyên nói.
"Vì vậy, việc lấy ý kiến đến nay là quá đủ rồi, chúng ta không nên bàn nhiều, việc gỡ khỏi website là để chỉnh sửa bổ sung cho hoàn chỉnh, nhưng không có nghĩa gỡ là bỏ, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất Bộ Công an để thực hiện".
Trước đó, thiếu tướng Tuyên khẳng định, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc kỹ khi đưa ra đề xuất trên. Việc nộp phạt trực tiếp có lợi cho người dân. Chẳng hạn, một người ở Hà Nam vượt đèn đỏ ở Hà Nội, thay vì đi lòng vòng nộp phạt rồi chờ đợi lấy giấy tờ thì có thể nộp trực tiếp cho cảnh sát giao thông, mọi việc được giải quyết nhanh chóng.
Sau khi VnExpress đăng tải nội dung trong dự thảo thông tư về việc đề xuất cho phép người vi phạm nộp thẳng cho CSGT, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Một số luật sư và người dân cho rằng việc cho phép người vi phạm nộp phạt trực tiếp sẽ tạo sự thuận tiện cho người dân và tiết kiệm được thời gian, tiền bạc.
Song phần lớn ý kiến nói không nên áp đề xuất này vì việc tạo điều kiện nhanh chóng cho người vi phạm đồng nghĩa với việc khuyến khích họ vi phạm. "Đã phạm luật thì phải chấp nhận mất thời gian đi nộp phạt mà càng lâu càng tốt để họ ý thức được rằng, hãy bình tĩnh tuân thủ luật sẽ nhanh hơn là vội vàng", một bạn đọc góp ý.
Dự thảo thông tư cho phép người vi phạm nộp phạt trực tiếp cho cảnh sát giao thông vàviệc nộp phạt trực tiếp chỉ áp dụng trong trường hợp vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng với cá nhân, trên 500.000 đồng với tổ chức, xảy ra ở những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi, việc đi lại gặp khó khăn hoặc ngoài giờ hành chính, trường hợp bất khả kháng người vi phạm không thể đến kho bạc. |
Theo Bá Đô (VNE)