Gỡ 'hàng rào' visa để hút khách quốc tế

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần cải tiến thời gian lưu trú dài hơn cho du khách quốc tế và mở rộng thêm thị trường thí điểm cấp e-visa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Du lịch Việt Nam đang chuẩn bị bước vào cao điểm của thị trường khách quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay chính sách visa của Việt Nam là một trong những vấn đề được các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch cũng như các du khách quan tâm. Trong đó, việc chỉ miễn thị thực cho 25 nước và cho phép khách lưu trú trong 15 ngày là một trong những yếu tố kém hấp dẫn của du lịch Việt.

“Chính sách thị thực kém hấp dẫn”

Trong lần tư vấn du khách đến từ Mỹ, đại diện một công ty lữ hành kể: Chàng trai ở Mỹ muốn du lịch đến Việt Nam khoảng một tháng, tuy nhiên công dân Mỹ chỉ được miễn visa trong vòng 15 ngày. Vừa tốn thời gian nộp hồ sơ, vừa tốn tiền vì không được miễn visa, chàng trai này “bẻ cua” chuyển hành trình sang các đảo ở Bali (Indonesia).

Việt Nam cần triển khai chính sách tăng thời gian miễn thị thực nhằm thu hút khách quốc tế. Ảnh: T.TRINH

Việt Nam cần triển khai chính sách tăng thời gian miễn thị thực nhằm thu hút khách quốc tế. Ảnh: T.TRINH

Qua khảo sát một số doanh nghiệp lữ hành: Thực tế du khách đến từ những thị trường xa thường có nhu cầu đi du lịch 18-21 ngày. Chế độ miễn thị thực 15 ngày sẽ không thu hút được khách có khả năng lưu trú dài ngày với mức chi tiêu cao.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho hay khách Tây Âu thường du lịch 2-3 tuần, kết hợp nhiều nước lân cận. Việt Nam chỉ miễn visa cho một số nước Tây Âu trong 15 ngày như vậy là bắt khách phải cắt ngắn hành trình, bắt họ giảm chi tiêu, lưu trú ở Việt Nam. Hoặc khách đang ở Đông Nam Á muốn sang Việt Nam chơi nhưng ngần ngại về visa nên họ chuyển sang nước khác để giảm bớt thủ tục.

Minh chứng cụ thể, ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết các công ty, chuyên gia du lịch Nhật vào Việt Nam rất nhiều, họ kết hợp du lịch và làm việc nên nhu cầu lưu trú có thể dài hơn 15 ngày. “Tôi đề nghị mở rộng thời hạn visa lên 30 ngày và có thể gia hạn hai lần” - ông Tấn đề xuất.

Không đón được dòng khách “VIP” vì visa

Theo ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis Adventure Tours, sau đại dịch xuất hiện xu thế mới về việc làm, thay vì đến văn phòng, các chuyên gia làm những công việc đặc thù thường chọn địa điểm làm việc mới mẻ để có không gian sáng tạo. Dòng khách này tăng nhanh và thường có nhu cầu đến các nước làm việc và du lịch 6-12 tháng.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng vừa kiến nghị Chính phủ xem xét, áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả thị trường khách; tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động này.

Đặc biệt cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho họ tới du lịch và đi lại trong nước…

Ông Á đánh giá luồng khách này thường có thu nhập cao và họ thường chọn đến quốc gia khác vừa làm việc và tiêu tiền. Tuy nhiên, Việt Nam không đón được dòng khách này do thời gian cấp visa du lịch ngắn hạn. Từ đó, ông Á kiến nghị nên có nhiều phương án cấp visa du lịch để du khách có nhiều lựa chọn hơn thay vì cấp một lần.

“Ngoài ra, thời gian trả hồ sơ xin visa online cần đúng hạn để du khách yên tâm chuẩn bị đặt chuyến bay, đặt phòng và hành trình đi lại. Hoạt động cấp visa chậm trễ dễ khiến khách quốc tế không dám mạo hiểm đặt tour đến Việt Nam” - ông Á nói.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng cho rằng khách quốc tế liên quan mật thiết đến chính sách thị thực.

Bà Khánh dẫn chứng một số khó khăn hiện nay là khó xin e-visa (visa điện tử) chưa minh bạch trong quá trình làm thủ tục, chi phí thị thực du lịch cấp khi nhập cảnh tại cửa khẩu của Việt Nam cũng đang cao hơn so với các nước khác.

Ông Từ Quý Thành, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cũng cho rằng: “Chúng ta nên mở rộng thêm các quốc gia xin e-visa, thậm chí du khách có thể chọn xuất nhập cảnh nhiều lần”.

Theo ông Thành, du khách châu Âu không chỉ du lịch Việt Nam mà còn qua Lào, Campuchia… Và chỉ lưu trú 15 ngày, từ Việt Nam đi Campuchia rồi lại vào Việt Nam, du khách muốn miễn visa tiếp thì phải chờ hết 30 ngày sau. Rất bất tiện cho khách du lịch.

Nên làm gì liên quan đến thị thực cho du khách?

Có biện pháp cụ thể để du khách dễ xin visa

Vấn đề visa là yếu tố hạn chế năng lực cạnh tranh điểm đến của du lịch Việt Nam. Rất tiếc trong thời gian dài Việt Nam vẫn giữ chính sách thị thực như trên. Việt Nam đã đứng tốp gần cuối lượng quốc gia, vùng lãnh thổ miễn thị thực.

Chúng ta đang có những chính sách ảnh hưởng tiêu cực đến việc hấp dẫn khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế.

Mới đây, Chính phủ có động thái cho phép công dân xin e-visa, đây là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch. E-visa không phải mới, trong thực tế lấy visa online rất khó khăn. Lần này chúng ta nên có biện pháp cụ thể để quá trình xin visa của du khách thực sự dễ dàng, thuận lợi.

Tôi đề xuất du khách có thể lấy visa trực tiếp tại cửa khẩu, đây là hình thức tạo điều kiện cho du khách đến Việt Nam. Tuy làm việc này không dễ dàng nhưng đây là giải pháp quan trọng trong khi chúng ta đang điều chỉnh chính sách visa. PGS-TS PHẠM TRUNG LƯƠNG, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch)

Tăng thời gian miễn thị thực

Để đuổi kịp ngành du lịch Thái Lan, Việt Nam cần cải thiện chính sách thị thực, trong đó tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực, tập trung vào những thị trường chính, tăng thời gian miễn thị thực.

Trước mắt có thể làm là tăng thời gian miễn thị thực cho khách quốc tế lên 30 ngày, song song đó bổ sung thêm cho phép khách ra vào nhiều lần (multiple entry) thì càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, TAB đề xuất Việt Nam cần mở rộng danh sách các quốc gia được áp dụng thị thực điện tử thay vì chỉ có 80 quốc gia như hiện nay. Đồng thời, cơ quan chức năng nên có cơ chế trong vòng 24 giờ trả lời để du khách không phải chờ đợi. Ông HOÀNG NHÂN CHÍNH, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB)

Kéo dài thời hạn chương trình miễn thị thực

Việc cấp thị thực du lịch ba tháng cho khách du lịch từ châu Âu muốn đi nghỉ dài, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ mùa đông sẽ giúp thu hút nhiều du khách có mức chi tiêu cao. Với thị thực du lịch dài ngày như vậy thường được sử dụng bởi những người đã nghỉ hưu có kinh phí và thời gian để lưu trú lâu hơn bình thường.

EuroCham khuyến nghị Việt Nam cần mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực cho tất cả quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và kéo dài thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Đồng thời kéo dài thời hạn chương trình miễn thị thực trong năm năm.

Việt Nam cũng có thể thực hiện miễn thị thực lưu trú ngắn hạn trong một số tình huống nhất định, đặc biệt là để hỗ trợ các diễn đàn, triển lãm và sự kiện thể thao. Đại diện EuroCham

Đẩy mạnh cấp visa cửa khẩu

Đại diện Công ty Vietravel cho hay: Việt Nam cần đẩy mạnh cấp visa cửa khẩu (visa on arrival); miễn visa có thời hạn cho từng thị trường trọng điểm cụ thể, trong từng thời gian cụ thể để tạo cú hích mạnh mẽ cho hoạt động đón khách quốc tế.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết theo doanh nghiệp du lịch, visa là “nút thắt cổ chai” mà bao lâu nay chúng ta vẫn chưa gỡ được. Các doanh nghiệp du lịch đề xuất gia hạn visa 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay và điều này hy vọng sẽ được chấp nhận sớm. “Để tạo điều kiện cho khách quốc tế vào Việt Nam thì hệ thống e-visa cần được phê duyệt đúng hạn, xác nhận lộ trình nộp visa của du khách, hoàn trả đúng hạn” - ông Hòa nói.

Đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh thông tin: Tăng thời gian thị thực lên 30 ngày là cần thiết, giúp khách du lịch có thêm thời gian đi lại, lưu trú nhằm quảng bá, thúc đẩy du lịch các địa phương phát triển.

“Các cơ quan có thẩm quyền nên đề xuất Quốc hội xem xét sửa sớm và dù có hơi chậm nhưng cũng phải làm để tạo điều kiện cho du lịch phát triển, đặc biệt trong năm 2023 Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế” - vị đại diện nói.•

Thời hạn thị thực du lịch ở một số nước Đông Nam Á

Malaysia

Theo Cục Xuất nhập cảnh Malaysia, công dân từ các nước như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Nhật và các nước thuộc khu vực châu Âu, Đông Nam Á có thể đến Malaysia mà không cần thị thực, với thời gian lưu trú lên đến 90 ngày.

Còn nếu nhập cảnh bằng đường bộ hoặc đường biển thì du khách có thể được cấp tem nhập cảnh (có chức năng xác nhận rằng khách du lịch đã được phép nhập cảnh vào đất nước này) với thời hạn là 30 ngày, song thời hạn này có thể được kéo dài nếu du khách xin giấy phép gia hạn thêm.

Thái Lan

Theo trang web Bộ Ngoại giao Thái Lan, visa du lịch của nước này có thời hạn tối đa là 60 ngày. Tuy nhiên, nếu du khách là công dân của các nước được miễn visa Thái Lan như Úc, Pháp, Nhật, Hàn, Anh... và các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thì có thể nhập cảnh Thái Lan mà không cần visa trong một khoảng thời gian nhất định.

Singapore

Theo trang ivisa.com, nếu du khách là công dân thuộc các nước có thỏa thuận visa hoặc visa on arrival với Singapore như Úc, Na Uy, New Zealand, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Mỹ, Anh và các nước châu Âu, ASEAN thì không cần phải xin visa trước khi đến nước này và có thể được nhập cảnh Singapore 30-90 ngày.

Tuy nhiên, du khách tới Singapore cần cung cấp thêm thông tin về lịch trình du lịch. Thời gian xử lý yêu cầu visa thường mất khoảng 3-5 ngày làm việc. CHÍ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm