Gỡ khó cho xe buýt TP.HCM sau giãn cách

TP.HCM hiện có 40 tuyến xe buýt trợ giá được hoạt động lại sau thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, lượng khách sử dụng xe buýt chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí có chuyến hoàn toàn trống rỗng.

Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM đã gửi văn bản tới các sở, ngành chức năng kiến nghị một số giải pháp nhằm hỗ trợ cho hoạt động xe buýt được phục hồi trở lại.

Mỗi xe chỉ 1-2 khách

Đi theo lộ trình của tuyến xe buýt số 04 (Bến Thành - Cộng Hòa - An Sương), PV quan sát từ khi xe xuất bến đến cuối chặng chỉ có 1-2 hành khách lên xe.

Bà Văn Thị Tâm (hành khách trên tuyến xe buýt 04) cho biết từ trước đến nay bà vẫn ưu tiên chọn xe buýt để di chuyển. Nay mọi người còn e ngại dịch bệnh nên xe buýt rất vắng, mỗi xe chỉ có 1-2 khách.

Hiện nay ở TP.HCM có 40 tuyến xe buýt đã hoạt động lại. Ảnh: THU TRINH

Tương tự, tại trạm trung chuyển nằm trên đường Hàm Nghi cũng rơi vào tình trạng ảm đạm vì vắng khách. Giờ cao điểm, xe buýt ra vào tấp nập nhưng chỉ có vài ba khách lên, xuống xe.

Thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (thuộc Sở GTVT), tính từ ngày 5-10 đến 8-11, có 40 tuyến xe buýt trợ giá trên địa bàn TP hoạt động lại sau thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh. Mỗi chuyến xe trung bình chở sáu khách, giảm hơn 70% so với trước giãn cách.

Trung tâm này cho biết từ ngày 15-11, tất cả 90 tuyến xe buýt có trợ giá được hoạt động lại. Đối với các tuyến xe buýt không trợ giá, trung tâm đề nghị các doanh nghiệp vận tải rà soát xe, nhân sự để đăng ký thời gian và phương án hoạt động.

Đối với các tuyến không trợ giá liên tỉnh liền kề, các địa phương cần thống nhất phương án hoạt động với địa phương lân cận trước khi có quyết định khôi phục.

Nhiều kiến nghị gỡ vướng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho biết các đơn vị vận tải bằng xe buýt đã và đang tạm ngưng toàn bộ hoạt động gần bốn tháng nay. Hiện mới chỉ có 40 tuyến hoạt động lại.

Do vậy, các đơn vị vận tải, người đầu tư xe buýt không có nguồn thu nhưng các khoản chi phí lớn vẫn phải trả như vốn gốc, lãi vay ngân hàng, chi phí lưu đậu bến bãi, bảo trì bảo dưỡng xe…

“Thời gian xe buýt ngưng khá lâu nên đã thay đổi nhu cầu, thói quen đi lại của người dân. Do đó, hiệp hội kiến nghị TP khi xe buýt hoạt động lại, doanh thu và sản lượng đặt hàng của xe buýt nên được tính theo doanh thu và sản lượng thực tế cho đến hết tháng 6-2022” - ông Tính cho biết.

Hiệp hội cũng đề xuất các đơn vị vận tải được thanh toán tiền lương cơ sở và hỗ trợ đơn vị vận tải trong giai đoạn giãn cách xã hội bị ảnh hưởng.

Cũng theo hiệp hội, về việc miễn phí bảo trì đường bộ: Sở GTVT xét từ thời điểm đơn vị vận tải nộp văn bản đề nghị lên sở đủ 30 ngày sẽ được hưởng chính sách miễn phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, do xe buýt hoạt động theo quyết định của Sở GTVT và Trung tâm Quản lý - điều hành vận tải hành khách công cộng nên đơn vị vận tải không thể quyết định được thời điểm dừng cũng như thời điểm hoạt động lại.

“Thực tế, nhiều tuyến xe buýt đã dừng hoạt động hơn ba tháng. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Sở GTVT xem xét kiến nghị lên bộ, ngành liên quan miễn phí bảo trì đường bộ cho các xe buýt trong giai đoạn tạm ngưng hoạt động tại TP.HCM (từ tháng 6 đến tháng 10-2021)” - ông Tính cho hay.

Ngoài ra, hiệp hội cũng đề nghị Sở GTVT triển khai thời hạn tổ chức các gói thầu theo Thông báo 192 ngày 15-12-2020 của Trung tâm Quản lý - điều hành vận tải hành khách công cộng tối thiểu là 18 tháng, kể từ lúc hoạt động xe buýt cơ bản được tái thiết ổn định. Bởi qua nhiều tháng liền tạm ngưng, tình hình tài chính các đơn vị, người đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn, khả năng đầu tư rất hạn hẹp.

Một đơn vị vận tải hoạt động bằng xe buýt cũng kiến nghị việc trợ giá trong năm nay đơn vị đề nghị tính theo sản lượng thực tế. Vì nếu khoán sản lượng cao như những năm trước sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp.

Về vấn đề trên, Sở GTVT TP.HCM cho biết sở đang khảo sát tình hình thực tế, nhu cầu đi lại của người dân để tiếp tục điều chỉnh số lượng và tần suất các chuyến cho phù hợp.•

 

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ xe buýt

Hiệp hội cũng có đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ cho các đơn vị vận tải xe buýt. Cụ thể, hỗ trợ toàn bộ lãi vay năm 2021 cho đến khi TP công bố hết dịch đối với các xe buýt đã được TP phê duyệt đầu tư giai đoạn 2014-2020.

Hiệp hội kiến nghị NHNN Chi nhánh TP.HCM xem xét có giải pháp hỗ trợ trong việc gia hạn thêm thời gian trả nợ gốc, xem xét giảm lãi vay… đối với các khoản đầu tư xe buýt theo đề án 1.680 (hỗ trợ các xe buýt ảnh hưởng do dịch). Trong đó, phương án 1 tính từ lúc hệ thống xe buýt TP hoàn toàn tạm ngưng hoạt động (20-6-2021) đến khi TP công bố hết dịch cộng thêm 12 tháng. Phương án 2 tính từ lúc hệ thống xe buýt TP hoàn toàn ngưng hoạt động (20-6-2021) cộng thêm 24 tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm