Nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội cho rằng cần có cơ chế phù hợp để tránh tình trạng người lao động bị doanh nghiệp (DN) gây khó dễ hoặc mất việc làm trong và sau khi tham gia lực lượng dự bị động viên…
Phát biểu tại hội trường, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng cần xây dựng cơ chế phù hợp trong xây dựng và quản lý dự bị động viên, vì những người dự bị phần lớn là thanh niên xuất ngũ về địa phương. Khi người lao động được huy động tham gia lực lượng dự bị động viên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các DN. “Có người mới có công ăn việc làm, sau khi tham gia lực lượng dự bị động viên trở thành thất nghiệp. Hiện tượng này đã xảy ra ở một số tỉnh miền Trung khi tôi khảo sát” - ĐB Tuấn dẫn chứng.
ĐB Tuấn cũng cho rằng cần quy định một cơ quan có thẩm quyền đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại các DN tư nhân, DN nước ngoài khi tham gia vào lực lượng dự bị động viên.
Cùng quan điểm, ĐB Dương Đình Thông (Bắc Giang) cho rằng cần cân nhắc có cơ chế phù hợp, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người được huy động vào lực lượng dự bị động viên. “Đa phần quân nhân dự bị là lao động chính trong các gia đình… Mặt khác, nhiều quân nhân dự bị bị bệnh tật, ốm đau, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đặc biệt là những tình huống bất khả kháng không thể thực hiện huy động được” - ông Thông nói.
Nhiều ĐB cũng cho rằng hiện nay đang có vướng mắc khi huy động lao động của các DN. Nhiều DN không cho người lao động đi tham gia huấn luyện, vì thế dự luật cần nghiên cứu tháo gỡ nút thắt này.
ĐB Nguyễn Văn Chương (TP.HCM) cho hay nhiều cơ quan quân sự tại TP.HCM phản ánh việc huy động huấn luyện lực lượng dự bị động viên ngày càng khó. Xu hướng kinh tế cá thể, tư nhân ngày càng tăng thì việc xây dựng lực lượng dự bị động viên còn khó khăn hơn. Quân dự bị ở các địa phương này rất đông nhưng đời sống, việc làm của họ chịu sự tác động, chi phối của chủ DN. “Trong khi đó, dự thảo luật chỉ đưa ra nghĩa vụ, quyền lợi của quân nhân dự bị, chưa đưa ra quy định ràng buộc đối với chủ DN tư nhân trong nước và chủ DN có yếu tố nước ngoài” - ĐB Chương nói. Từ đó, ĐB Chương đề nghị dự luật phải quy định trách nhiệm của chủ hai loại DN trên và có biện pháp chế tài khi họ không tạo điều kiện cho quân nhân dự bị đi tập trung huấn luyện hoặc động viên sẵn sàng chiến đấu.
Thay mặt ban soạn thảo dự luật, trước Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị ĐB Quốc hội để chỉnh lý, bổ sung dự thảo luật theo quy định trước khi trình Quốc hội.