Gỡ vướng cho thương mại điện tử để hàng đến với dân

Dù đã có nhiều kiến nghị nhưng đến nay, vận chuyển của thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn TP.HCM vẫn gặp khó khi chỉ có thể vận chuyển các mặt hàng thiết yếu và chỉ giao trong phạm vi quận/huyện. Chính vì vậy, khả năng phân phối hàng giảm sút.

Đơn hàng nhiều mà không có shipper

Ngoài vấn đề về shipper (người giao hàng) giảm do các quy định đảm bảo an toàn phòng dịch, nhiều sàn TMĐT bày tỏ khó khăn lớn nhất của họ hiện nay chính là áp lực đơn hàng tăng cao nhưng năng lực xử lý lại giảm sút.

Ông Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc phát triển doanh nghiệp Tiki, thông tin hiện số lượng đơn hàng tăng cao. Chỉ tính riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống, mỗi ngày Tiki có thể cung cấp lên đến gần chục tấn hàng. Nếu lưu thông thuận lợi thì tốc độ xử lý đơn hàng phục vụ người dân sẽ tốt hơn, bởi khả năng cung cấp thực phẩm tươi sống của sàn có thể lên đến vài chục tấn mỗi ngày.

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử được diễn ra thông suốt. Ảnh: THU HÀ

Tuy nhiên, việc giao hàng bị chậm trễ ở một số nơi trong giai đoạn cao điểm dịch COVID-19 do vướng phải một số quy định cũng như gặp khó vì số lượng shipper hạn chế. Đó là chưa kể mỗi ngày sàn này phải tiếp nhận rất nhiều cuộc điện thoại của shipper hỏi các món hàng liệu có phải là hàng hóa thiết yếu hay không. Điều này cũng tác động ít nhiều đến hiệu suất giao hàng của sàn.

“Tại các khu vực cách ly, khu vực phong tỏa, chúng tôi gặp khó trong việc tiếp cận nên không giao hàng được. Ngoài ra, hiện nay, do shipper trong quá trình lưu thông cần đi qua nhiều chốt kiểm tra nên cũng ảnh hưởng đến thời gian di chuyển. Chưa kể, một số shipper của sàn ở khu vực phong tỏa hoặc trở thành F1, F2 nên lực lượng giao hàng bị giảm một phần” - ông Khánh lý giải.

Phía Shopee cũng ghi nhận đơn hàng thực phẩm thiết yếu tăng cao đột biến với 30 tấn/ngày (tính đến ngày 20-7), gây áp lực lên việc xử lý. Trong thông báo gửi tới khách hàng, sàn này cho hay với số lượng đơn hàng tăng cao nên sàn phải gia hạn thêm 15 ngày cho bên bán để xử lý các đơn được tạo từ ngày 24-7 đến 15-8.

“Chúng tôi sẽ đốc thúc các đơn vị vận chuyển để đơn hàng đến tay người mua trong thời gian sớm nhất, song hàng có thể chậm trễ hơn dự kiến tại một số khu vực bị phong tỏa và giãn cách xã hội” - sàn này thông tin.

Đại diện một số sàn TMĐT khác cũng thừa nhận hiện nay họ đang gặp khó trong việc phân bổ hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Thêm vào đó, tỉ lệ hoàn trả đơn hàng tăng cao đột biến do người nhận bị cách ly hoặc do các biện pháp quản lý chưa hợp lý, chẳng hạn việc quản lý hoạt động shipper.

“Tỉ lệ hoàn trả hàng tăng cao, nhất là khu vực phong tỏa. Hơn nữa, lực lượng shipper cũng hạn chế khiến cho việc vận chuyển hàng hóa khi mua trên sàn chúng tôi trở nên khó khăn và chậm trễ hơn” - đại diện một sàn TMĐT cho biết.

Cần đánh giá đúng vai trò của đội ngũ giao hàng

Hiệp hội TMĐT (VECOM) mới đây đã có công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc duy trì hoạt động TMĐT nhằm hỗ trợ chống dịch COVID-19 và cuộc sống người dân. Trong đó, hiệp hội kiến nghị Thủ tướng cho phép lưu thông danh mục hàng hóa như trong điều kiện bình thường. Vì trong thời điểm hiện nay, nhu cầu của cá nhân và các đơn vị, tổ chức không chỉ giới hạn ở các mặt hàng thực phẩm, thuốc men mà rất đa dạng mới đáp ứng được hoạt động sinh sống, học tập, làm việc tại nhà và trực tuyến.

Bên cạnh đó, VECOM cũng chỉ ra tính chất hoạt động của các sàn TMĐT là nơi trung gian hỗ trợ người mua và người bán. Mỗi sàn có thể có hàng chục ngàn người bán và đông đảo người mua. Với sự đa dạng như vậy nên tỉ lệ người mua và người bán nằm trên cùng một quận, huyện là không cao. Hơn nữa, mỗi chuyến người giao hàng có thể có nhiều khách hàng ở những địa điểm khác nhau. Nhiều khi hai địa điểm ở hai quận liền kề lại gần hơn hai địa điểm cùng một quận.

Do đó kiến nghị Thủ tướng giao UBND các địa phương, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, căn cứ tình hình thực tế để hỗ trợ người giao hàng tối ưu hóa hoạt động của mình. Qua đó cũng giúp các sàn TMĐT phục vụ tốt hơn nhân dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.

“Trong khi đa số người dân ở nhà thì họ (shipper) phải di chuyển liên tục và tiếp xúc với rất nhiều đối tượng, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhiều đơn vị. Do đó cần đánh giá đúng vai trò của đội ngũ giao hàng, coi shipper như đang làm nhiệm vụ chống dịch, đồng thời ưu tiên việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa này” - Phó Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng nêu rõ.

Bước đầu tháo gỡ một số khó khăn

Các sàn đều cho biết có ba khó khăn lớn nhất hiện nay là giao hàng các sản phẩm thiết yếu, giao hàng không liên quận và hoàn thành giao hàng trước 18 giờ hằng ngày. Đáng lo ngại, tài xế vận chuyển hàng thiết yếu vẫn bị phạt vi phạm hành chính dù đã thực hiện đầy đủ quy trình vận hành. Điều này dẫn đến tâm lý sợ sệt của shipper trong quá trình giao hàng.

“Những vướng mắc trên đã được chúng tôi đề cập trong cuộc họp ngày 6-8 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng UBND TP.HCM và Sở Công Thương TP” - ông Hoàng Gia Khánh thông tin.

Cụ thể, theo ông Khánh, tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng người dân chỉ nên đặt các sản phẩm thiết yếu, cần thiết cho bản thân và gia đình. Bởi nếu đặt các món hàng không cần thiết thì sẽ gây ra áp lực vận hành, đặc biệt là trong mùa dịch.

Với việc giao hàng không liên quận gây khó khăn cho các sàn TMĐT, Phó Thủ tướng cho rằng các sàn TMĐT có thể kết hợp với địa phương thành lập các kho nhỏ lẻ giữa các quận, huyện với nhau. Từ đó tạo sự thuận lợi trong việc phân phối hàng hóa.

Còn để giải quyết khó khăn trong việc giao hàng trước 18 giờ hằng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng có thể linh động phục vụ cho các đơn hàng đặc biệt như thuốc men, sữa hoặc tã… cho các bà mẹ cần cho trẻ nhỏ vào ban đêm, nhất là khu vực phong tỏa.

Sở Công Thương cũng cho hay đang từng bước kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho các sàn trong thời gian tới.

Vẫn còn cách hiểu khác nhau về hàng thiết yếu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một vị lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM đánh giá đối với hàng thiết yếu đang có những cách hiểu khác nhau. Sở đã làm việc với 20 đơn vị vận chuyển thì được biết còn 40 địa phương có chốt hỏi về vấn đề liên quan đến mặt hàng thiết yếu.

“Chúng tôi đã có văn bản với 40 địa phương này để tránh việc mỗi người hiểu một cách về hàng hóa thiết yếu, gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa” - vị lãnh đạo Sở Công Thương cho hay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm