Gỡ vướng để du thuyền Việt Nam vươn ra biển lớn

(PLO)- Các nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh, bến du thuyền quan tâm đến đề án quản lý du thuyền bởi lâu nay chưa có hành lang quản lý dành riêng cho du thuyền.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hai ngày 9 và 10-4, Đoàn công tác của Cục Hàng hải Việt Nam do Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang, trưởng đoàn đã đi khảo sát xây dựng đề án quản lý du thuyền tại khu vực TP.HCM.

Để xây dựng đề án, đoàn công tác của Cục Hàng hải sẽ tiến hành khảo sát tại các nhà máy đóng du thuyền; bến du thuyền, bến nội thủy tại khu vực phía Bắc, miền Trung và phía Nam.

Du thuyền
Du thuyền sang chảnh triệu USD sản xuất tại TP.HCM, chờ xuất xưởng sang Mỹ, châu Âu. Ảnh: P.ĐIỀN

Đây là hoạt động được các nhà sản xuất du thuyền, dân chơi du thuyền, các đơn vị kinh doanh, khai thác bến cảng nội thủy, bến du thuyền quan tâm, bởi lâu nay chưa có hành lang quản lý dành riêng cho du thuyền.

Cận cảnh nhà máy đóng du thuyền buồm hai thân thương hiệu Seawind tại TP Thủ Đức. Video: P.ĐIỀN

Tại khu vực TP.HCM, đoàn làm việc thăm hai nhà máy đóng du thuyền, làm việc với lãnh đạo Công ty Corsair Marine International (gồm hai thương hiệu Seawind/Corsair) và Công ty TNHH Triac Composite; khảo sát tình hình hoạt động bến du thuyền Tam Sơn (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Chủ tịch HĐQT Công ty Corsair Marine International, Richard Ward, khái quát nhu cầu sử dụng du thuyền từ châu Âu, Mỹ, Úc và kinh nghiệm quản lý, phát triển bến du thuyền tại các quốc gia này. Ông đánh giá du thuyền là ngành công nghiệp mang lại hàng tỉ USD. Việt Nam với bờ biển dài, nhiều vịnh, đảo đẹp có lợi thế rất lớn để thu hút, phát triển ngành công nghiệp du thuyền, du lịch biển.

go-vuong-dua-du-thuyen-viet-ra-bien-lon.jpg
Chủ tịch HĐQT Công ty Corsair Marine International, Richard Ward đề xuất nhiều giải pháp gỡ vướng đưa công nghiệp du thuyền Việt Nam ra biển lớn. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông nhấn mạnh Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển ngành đóng du thuyền, do có nhiều lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, tay nghề khéo léo, tinh xảo. “Tiếc là lợi thế này chưa phát huy xứng tầm, do những vướng mắc về quy định bến du thuyền, công tác đăng kiểm, chạy thử tàu...”, ông Richard Ward nói.

Từ đó, ông chia sẻ kinh nghiệm từ các nước có ngành công nghiệp du thuyền phát triển tại Úc, đó là cập nhật thường xuyên quy chuẩn tiên tiến đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế để bảo đảm tàu sản xuất không lỗi thời, khách hàng chấp nhận.

go-vuong-dua-du-thuyen-ra-bien-lon-2.jpg
Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển ngành đóng du thuyền, do có nhiều lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, tay nghề khéo léo, tinh xảo. Ảnh: P.ĐIỀN

"Việt Nam nên chọn lọc, vận dụng các quy định được nhiều quốc gia chấp thuận về thiết kế, vận hành, tính năng an toàn đối với sản xuất và khai thác du thuyền từ các nước để bắt kịp xu hướng phát triển của các nước", ông Richard Ward khơi gợi.

Chủ tịch của thương hiệu du thuyền buồm kiến nghị nên cởi mở cho khách hàng mua thuyền tại Việt Nam, có thời gian chạy thử (15-20 ngày) tại các vùng sông biển để làm quen, huấn luyện kĩ năng vận hành tàu trước khi rời Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang, trao đổi đợt khảo sát quy mô rộng từ nhà sản xuất, hoạt động vui chơi mặt nước, đơn vị kinh doanh, quản lý bến nội thủy, du thuyền để có tư liệu “sống”, phục vụ cho đề án quản lý du thuyền phù hợp thông lệ, hội nhập quốc tế thời gian tới.

Theo ông Giang, đoàn tiếp thu ý kiến nhiều phía, học tập kinh nghiệm từ các quốc gia có hoạt động du thuyền phát triển, đề án hoàn chỉnh sẽ trình Chính phủ xem xét, tiến tới ban hành quy định quản lý du thuyền phát triển đúng hướng, phát triển ngành công nghiệp du thuyền, thu hút khách du lịch.
“Không vì rào cản chưa được khơi thông mà các nhà đầu tư nản lòng, chúng tôi luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến để có phương án quản lý phù hợp", ông Giang nhấn mạnh.

Đại diện Câu lạc bộ du thuyền TP Thủ Đức, TP.HCM, góp ý cơ quan quản lý sớm có hướng dẫn, tiêu chuẩn phân loại bến du thuyền (marina) và bến thủy nội địa để phù hợp các phương tiện đường thủy của quốc tế.

Đồng thời, ban hành, hướng dẫn giá/phí neo đậu, phí thuê mặt nước cụ thể. Cùng đó, xem xét phạm vi sử dụng mở rộng vùng chạy thử cho các du thuyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm