Gỡ vướng pháp lý cho hàng trăm dự án bất động sản

(PLO)- Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thực tế các vướng mắc đều có phát sinh ở tất cả sở, ngành và quận, huyện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo về tiến trình tháo gỡ vướng mắc cho 116 dự án đang vướng pháp lý ở TP.HCM, trong đó có việc chậm giải quyết thủ tục còn diễn ra ở nhiều sở.

Sở Xây dựng TP cũng kiến nghị giao trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các sở, ngành để tổng hợp, giải quyết, báo cáo UBND TP, trường hợp các đơn vị chậm báo cáo sẽ chịu trách nhiệm về tiến độ đối với chủ tịch UBND TP.

UBND TP.HCM liên tục chỉ đạo

“Đến nay, đã có 4/11 đơn vị báo cáo tiến độ giải quyết gồm: Sở GTVT, Ban quản lý khu Nam, Chi cục Tài chính doanh nghiệp - Sở Tài chính, Cục Thuế TP” - báo cáo do ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, ký ngày 10-8 gửi UBND TP về tiến độ giải quyết 116 dự án vướng pháp lý nêu rõ.

Trong đó, ngoài bốn sở đã trả lời, Sở Xây dựng TP cũng đã có văn bản trả lời hoặc hướng dẫn cho 11/18 dự án bị vướng mắc. Sở GTVT đã có văn bản trả lời hoặc hướng dẫn cho 2/3 dự án.

Tương tự, Ban quản lý khu Nam 1/1 dự án, Chi cục Tài chính doanh nghiệp - Sở Tài chính 1/1 dự án, Cục Thuế TP.HCM 2/3 dự án. Còn bảy đơn vị chưa báo cáo gồm: Sở TN&MT TP (với 71 dự án liên quan); Sở KH&ĐT TP (28 dự án); Sở QH-KT TP (22 dự án); UBND TP Thủ Đức (hai dự án); UBND huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, Sở Tài chính đều một dự án.

Việc báo cáo này được thực hiện theo chỉ đạo của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, tại bốn công văn liên tục từ tháng 5 đến tháng 7. Trong đó, ông Mãi đều giao các sở, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp tại các công văn của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA).

Ông Mãi cũng giao các sở, ngành kịp thời trao đổi, làm việc và hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định pháp luật; đồng thời giao Sở Xây dựng chủ trì, tổng hợp và báo cáo tiến độ kết quả giải quyết của các dự án cho UBND TP.

Trước đó, HoREA đã có tổng cộng bốn công văn kiến nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc của 116 dự án BĐS nhà ở thương mại.

Vướng mắc thủ tục, pháp lý khiến nhiều hộ dân trong khu tái định cư Phú Mỹ, quận 7 (tp.hcm) chưa được cấp sổ hồng. Ảnh: KC

Vướng mắc thủ tục, pháp lý khiến nhiều hộ dân trong khu tái định cư Phú Mỹ, quận 7 (tp.hcm) chưa được cấp sổ hồng. Ảnh: KC

Giao trách nhiệm cụ thể cho thủ trưởng đơn vị

Sở Xây dựng TP cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị chưa có văn bản báo cáo khẩn trương căn cứ tổng hợp của Sở Xây dựng, có văn bản gửi chủ đầu tư về giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BĐS theo bốn đợt kiến nghị của HoREA theo đúng chỉ đạo của chủ tịch UBND TP. Đồng thời có văn bản báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết các khó khăn, vướng mắc gửi về Sở Xây dựng TP để tổng hợp, báo cáo.

Theo Sở Xây dựng TP, thực tế các vướng mắc đều có phát sinh ở tất cả sở, ngành và quận, huyện. Đặc biệt, vướng mắc về đất đai, tình hình sử dụng đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất là phổ biến. Trong 116 dự án thì có 71 dự án vướng mắc thuộc lĩnh vực tham mưu giải quyết của Sở TN&MT TP.

Quá trình tổng hợp, Sở Xây dựng không kịp thời nhận được thông tin giải quyết của các đơn vị về tiến độ thực hiện; đồng thời, đối với những nội dung cần tổng hợp ý kiến giải quyết của các sở, ngành, các đơn vị đều gửi ý kiến chậm hơn thời gian yêu cầu của UBND TP.

Điều này dẫn đến việc Sở Xây dựng hoặc Sở Tư pháp khi rà soát báo cáo UBND TP mà không có ý kiến của các đơn vị chuyên ngành liên quan, đặc biệt là ý kiến chuyên ngành của Sở TN&MT TP, Ban chỉ đạo 167 (ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo Nghị định số 167 ngày 31-12-2017 của TP).

Văn phòng UBND TP khi nhận được ý kiến của các sở, ngành (sau khi Sở Xây dựng đã trình) lại tiếp tục chuyển về Sở Xây dựng để tổng hợp. Việc này làm kéo dài thời gian thực hiện kết luận của chủ tịch UBND TP.

Vì vậy, theo Sở Xây dựng TP, để tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành trong việc tổ chức thực hiện kết luận chỉ đạo của chủ tịch UBND TP, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP có văn bản giao trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện công tác trên. Sau đó, gửi trực tiếp cho UBND TP và Sở Xây dựng để tổng hợp.

“Trường hợp các đơn vị chậm báo cáo hoặc chậm có ý kiến sẽ chịu trách nhiệm về tiến độ đối với chủ tịch UBND TP” - văn bản của Sở Xây dựng TP nêu rõ.•

Nhiều điểm nghẽn về pháp lý khiến các dự án chậm triển khai

Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị về phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng chủ trì vào ngày 14-7 nêu rất rõ: Cần rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, BĐS đang chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai thực hiện trên địa bàn.

Qua đó, Thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, đặc biệt là các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.

HoREA nhận thấy thông điệp minh bạch và các ý kiến của Thủ tướng đã chỉ đạo rất toàn diện, đồng bộ, sát với thực tiễn chắc chắn sẽ tạo động lực thúc đẩy việc xây dựng, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh và giúp cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm hơn.

HoREA cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở. Chính các điểm nghẽn về pháp lý đã khiến các dự án chậm triển khai hoặc không thể triển khai, dẫn đến làm gia tăng chi phí, đẩy giá nhà lên cao so với thu nhập của người dân.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm