Căn nhà Rông ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) chật kín người dân tộc thiểu số Cơ Tu đến tham gia buổi tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện.
Đây là lần hiếm hoi họ được nghe đầy đủ các chính sách của Nhà nước về bảo hiểm. “Nếu biết sớm hơn tôi đã tham gia BHXH tự nguyện cách đây mấy năm rồi” - một người dân dân tộc Cơ Tu chia sẻ.
Niềm tin vào chính sách Nhà nước
Cầm trên tay tờ rơi tuyên truyền về chính sách bảo hiểm, nhiều người dân tại đây tỏ ra lúng túng vì không hiểu hết những con số trên giấy in màu mang lại lợi ích gì. Khi được nghe nhân viên bưu điện phân tích, lý giải tận tình, cặn kẽ nhiều người liền hào hứng đăng ký tham gia.
Chị B Nước Thị Vưới, thôn A Lua, xã Gia Đông, Tây Giang, cho biết từng nghe nhiều về chính sách BHXH tự nguyện nhưng không hiểu hết nên ngại tham gia. Tuy nhiên, khi được gặp trực tiếp nhân viên tư vấn chị rất an tâm với chính sách nhân văn của Nhà nước. Vì vậy, chị lập tức đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức đóng 183.000 đồng/tháng.
Chị B Nước Thị Vưới là người đầu tiên trong gia đình tham gia đóng BHXH tự nguyện. Ảnh: V.LONG
Theo chị B Nước Thị Vưới, trước đây người dân tộc Cơ Tu không bao giờ có suy nghĩ xa, chẳng hạn như tuổi già sẽ làm gì để sống. Họ chỉ quan tâm ngày mai, dài hơn là tuần sau có gì ăn… Từ khi đời sống được nâng cao, hoạt động giao thương và tiếp cận các thông tin bên ngoài nhiều hơn, người Cơ Tu bắt đầu nghĩ dài hơn, biết chăn nuôi, tích góp, lên kế hoạch phát triển cho gia đình và con cái.
“Tham gia BHXH tự nguyện là một suy nghĩ tiến bộ của người dân tộc thiểu số nơi đây…”- chị B Nước Thị Vưới khẳng định.
Là người đầu tiên trong gia đình đóng BHXH tự nguyện, chị B Nước Thị Vưới mong tới đây nhiều người thân cũng có cơ hội được tham gia để lúc về già đỡ vất vả.
“Tuy nhiên, việc tham gia bảo hiểm còn tùy vào thu nhập của cả gia đình. Vì hiện nay, gia đình thu nhập trung bình một tháng khoảng 1 triệu đồng. Nên bước đầu cả nhà sẽ dồn khoản tích góp trong tháng đóng cho tôi. Nếu sau này điều kiện kinh tế khá hơn cả gia đình sẽ tham gia” - chị B Nước Thị Vưới nói.
Tương tự, sau khi nghe nhân viên tư vấn lý giải, chị A Lăng Thị Đào lôi từ trong túi ra một món tiền được quấn chặt trong hai mảnh giấy. Chị rút ra tờ 200 ngàn đồng đặt lên bàn để đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Chị cho biết gia đình là hộ nghèo, nếu tham gia bảo hiểm sẽ được nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. “Như vậy là quá hời, không lý do gì tôi từ chối tham gia…” - chị Đào chia sẻ.
Theo chị Đào, người miền núi kiếm tiền khó khăn hơn người đồng bằng. Muốn có cơm, có tiền họ phải đi bộ vài chục km lên rẫy. Vì vậy, chị thấy tranh thủ khi còn trẻ phải tham gia để về già không phải trèo đèo, lội suối kiếm gạo ăn qua ngày…
“Không nhìn đâu xa, cứ nghĩ cảnh bố mẹ tôi đã gần 70 tuổi vẫn phải lam lũ kiếm sống vì biết trông cậy vào ai… Nếu tôi tham gia bảo hiểm thì sau này lúc về già sẽ có tiền đong gạo và đỡ vất vả hơn…” - chị Đào tâm sự.
Góp 5 ngàn đồng/ngày không phải cao
Còn theo chị A Lăng Chiếc, xã Gia Đông, do trước đây người dân tộc thiểu số rất cảnh giác với người lạ nên sợ đóng tiền cho người không quen biết sẽ bị mất. Tuy nhiên, khi được cán bộ nhà nước tuyên truyền tận nơi bà con rất tin tưởng và tham gia.
Hiện mức thu nhập của người dân vùng dân tộc thiểu số Cơ Tu theo chị A Lăng Chiếc từ 1-2 triệu đồng/tháng. Nên việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người dân là cần thiết.
“Với mức đóng sau khi được hỗ trợ (hộ cận nghèo) còn 115.000 đồng/tháng tôi nghĩ không quá cao. Vì mỗi ngày người dân chỉ cần tích lũy chưa đến 5 ngàn đồng là đủ. Cái quý giá nhất là sau này được hưởng lương hưu, nếu không may qua đời thì con cháu còn tiền mai táng phí…” - chị A Lăng Chiếc nói.
Sau khi nghe nhân viên tư vấn giải thích chị A Lăng Thị Đào liền rút tiền đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: V.LONG
Anh B Linh Đưng, xã Gia Đông, cho rằng với những người dân tộc thiểu số, Nhà nước luôn quan tâm, nên mức đóng BHXH tự nguyện đa phần được hỗ trợ 30% hoặc 25%. Mức đóng còn lại cho một tháng là thấp, vì vậy sẽ không ảnh hưởng đến đời sống của bà con.
“Trong khi đó, cái lợi lớn nhất là về già mọi người không phải dựa vào con cháu hay lên rẫy kiếm cơm mà được hưởng một khoản tiền đủ sống. Như vậy thực chất đây là số tiền tích góp lúc về già…” - anh B Linh Đưng nhận định.
Ngoài ra, anh B Linh Đưng cũng cho rằng được sự quan tâm của Nhà nước, nên hầu hết người dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT. “Trước đây nhiều người sợ đi viện vì chi phí quá cao, còn bây giờ ôm đau họ đều đến bệnh viện để chữa trị. Đặc biệt, mỗi ngày nằm viện còn được nhà nước cấp 30.000 đồng. Bản thân tôi cũng từng bị bệnh tim và phải phẫu thuật, nếu không có BHYT chắc chỉ còn cách xin về nhà…” - anh B Linh Đưng tâm sự.
Đóng BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ thế nào ? BHXH Việt Nam cho biết theo Nghị định 134/2015 của Chính phủ, có nhiều mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức đóng thấp bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Ví dụ, mức đóng thấp nhất hiện nay là 700.000 đồng x 22% = 154.000 đồng/tháng và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Hình thức đóng có định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng và đóng một lần không quá năm năm. Đối với người đã có thời gian tham gia trên 10 năm mà đủ tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng thì đóng một lần để hưởng chế độ hưu trí. Người dân nếu muốn tham gia BHXH tự nguyện có thể liên hệ với bưu điện gần nhất để đăng ký. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Cụ thể, bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. |