Sáng 11-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), buổi hội thảo có hơn 40 đại biểu là cán bộ công đoàn, đại diện các sở, ban, ngành TP đến tham gia, góp ý.
Tại hội nghị, 17 đại biểu đã phát biểu 19 lượt với nhiều ý kiến, tập trung vào các điều khoản quy định trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người lao động.
Đối với việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn, đa số ý kiến ủng hộ phương án 2, kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 (do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động) công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng đồng ý việc dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) bổ sung thêm Điều 33 “Các cấp công đoàn thực hiện công khai tài chính hằng năm tại hội nghị ban chấp hành công đoàn và bằng một trong các hình thức: Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị…”
Đại diện công đoàn tại một doanh nghiệp, cho biết nhờ nguồn kinh phí công đoàn trích lại, công đoàn cơ sở đã chủ động chăm lo cho công nhân, giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định trong thời điểm dịch bùng phát.
Hiện nay, 75% tổng số thu kinh phí công đoàn được trích về cơ sở, 25% do Công đoàn cấp trên quản lý.
Với 25% phí công đoàn, được trích vào quỹ để bảo vệ người lao động dùng sử dụng để chăm lo, bảo vệ công đoàn viên - người lao động khi họ gặp khó khăn hoặc khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, việc làm của người lao động.
Do vậy cần đảm bảo nguồn quỹ này để công đoàn tiếp tục làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP cũng cho rằng những năm qua khi dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của công đoàn viên - người lao động.
Thời điểm ấy, nhờ có nguồn tài chính tích lũy, tổ chức công đoàn từ cấp tổng liên đoàn đến công đoàn các địa phương, công đoàn cơ sở đã triển khai rất nhiều chương trình chăm lo, hỗ trợ kịp thời để giúp người lao động bị cách ly, phong tỏa, bị nhiễm bệnh, … giúp người lao động vượt qua khó khăn.
Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong năm 2021, các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ công đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền gần 6.000 tỉ đồng. Kể cả sau khi dịch bệnh được kiểm soát, những chính sách hỗ trợ công nhân bị mất việc, giảm giờ làm do doanh nghiệp phá sản, giải thể, thu hẹp sản xuất… vẫn duy trì. Điều đó cho thấy hiệu quả và sự cần thiết phải duy trì kinh phí công đoàn.