Sáng 11-4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp cùng cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) và chính quyền TP lần thứ 243.
Hội nghị đã giải đáp những vướng mắc và tháo gỡ khó khăn liên quan đến các chế độ chính sách BHXH, BHYT, thủ tục giải quyết chế độ tai nạn lao động,…trên địa bàn TP.HCM.
Gặp khó khi làm thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động
Một đại diện DN thông tin: Thực tế có trường hợp người lao động (NLĐ) trên đường đi làm gặp tai nạn giao thông và đây được xác định là tai nạn lao động ngoài công ty. Đối với trường hợp bị nặng, NLĐ bất tỉnh, người gặp nạn được người dân hoặc người gây tai nạn tự đưa đi cấp cứu, điều trị mà không thông báo đến công an để ghi nhận hiện trường. Sau khoảng một, hai ngày bị tai nạn, NLĐ hoặc người thân đến yêu cầu chính quyền địa phương xác nhận vụ tai nạn nhưng không được chính quyền địa phương giải quyết. Và nếu không có văn bản xác nhận thì NLĐ không được giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động.
Một DN khác cũng nêu: Có trường hợp tai nạn giao thông trên đường đi làm và có liên hệ địa phương xác nhận vụ tai nạn. Tuy nhiên, văn bản mà chính quyền địa phương xác nhận lại không đúng theo mẫu, NLĐ cũng gặp khó trong việc giải quyết chế độ tai nạn lao động.
Một trường hợp khác, NLĐ bị tai nạn giao thông đã có đầy đủ văn bản xác nhận của cơ quan công an nhưng vì khi điều khiển xe không có giấy phép lái xe, đi xe không chính chủ, vậy NLĐ có được giải quyết quyền lợi không? Bởi khi DN nộp hồ sơ đến cơ quan BHXH cấp quận thì được trả lời cần phải xin ý kiến của cơ quan BHXH TP.HCM.
Liên quan đến những thắc mắc của DN, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết tại Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động có quy định trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm cung cấp cho đoàn điều tra một trong các giấy tờ như: Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn; biên bản điều tra tai nạn giao thông. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an, UBND cấp xã nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của NLĐ hoặc thân nhân NLĐ…
“Những vấn đề mà DN nêu thì trên thực tế cũng có xảy ra. Tuy nhiên, việc chính quyền địa phương từ chối xác nhận cho NLĐ cũng có thể do NLĐ chưa trình bày rõ hoặc do cơ quan chưa có cơ sở giải quyết,… Tuy nhiên, về thẩm quyền có xác nhận văn bản hay không thuộc về chính quyền địa phương, cơ quan BHXH không thể can thiệp được. Mới đây, cơ quan BHXH TP.HCM cũng có thông tin sắp tới Sở LĐ-TB&XH sẽ tổ chức tập huấn liên quan đến an toàn lao động. Hy vọng sau khi được tập huấn các phường, xã sẽ giải quyết việc xác nhận này dễ dàng, thuận lợi cho NLĐ hơn”- ông Hà chia sẻ.
Ông Hà thông tin thêm: Đối với trường hợp công an xã xác nhận văn bản tai nạn lao động không đúng mẫu thì theo hướng dẫn, NLĐ phải in ra, thực hiện kê khai theo mẫu và chịu trách nhiệm về nội dung kê khai; chính quyền địa phương chỉ cần xác nhận vào văn bản NLĐ đã khai vào. Ngoài ra, đối với trường hợp NLĐ bị tai nạn lao động mà không có giấy phép lái xe, xe không chính chủ thì vẫn được giải quyết nếu đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Sắp đến tuổi hưu vẫn được nhận trợ cấp thất nghiệp
Hội nghị đối thoại cũng tiếp nhận câu hỏi của một DN ở huyện Nhà Bè, DN này nêu: NLĐ đã tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ đủ 12 năm trở lên, vẫn đang làm việc và tham gia BHXH bắt buộc thì có phải tham gia BHTN nữa. Bởi theo quy định hiện nay, dù tham gia BHTN bao lâu thì NLĐ cũng chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), phần tham gia thừa trên 12 năm không được bảo lưu.
Một đại diện cơ quan BHXH TP.HCM trả lời: tại Điều 43 Luật Việc làm quy định NLĐ phải tham gia BHTN khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, trừ người đang hưởng lương hưu, lao động giúp việc gia đình.
Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH nêu: NLĐ có thời gian đóng BHTN trên 36 tháng đến đủ 144 tháng thì thời gian đóng chưa được giải quyết hưởng TCTN được bảo lưu. Trường hợp NLĐ đóng BHTN trên 144 tháng thì những thời gian chưa được giải quyết hưởng TCTN không được bảo lưu. Thời gian đóng BHTN được bảo lưu ghi tại quyết định về việc hưởng TCTN.
Như vậy, việc đóng BHTN và hưởng TCTN được quy định tại Luật và các văn bản hướng dẫn dưới Luật, đề nghị đơn vị sử dụng lao động thực hiện trích nộp theo đúng quy định.
Một DN khác thắc mắc đối với NLĐ sắp đến tuổi nhận lương hưu thì khi nghỉ việc NLĐ có được nhận TCTN không?
Một đại diện BHXH TP.HCM trả lời: Tại Điều 49 Luật Việc làm quy định điều kiện hưởng TCTN và nếu NLĐ đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ được giải quyết. Ngoài ra, NLĐ cần lưu ý nếu NLĐ đủ tuổi nhận lương hưu và làm thủ tục nhận lương hưu hàng tháng thì sẽ không được giải quyết TCTN.
3 cách thay thế thẻ BHYT giấy khi đi chữa bệnh
Hiện nay, có 3 cách thay thế thẻ BHYT giấy trong khám, chữa bệnh, gồm: Dùng Căn cước công dân gắn chíp; sử dụng tài khoản VNeID mức 2 và dùng ứng dụng VssID.
Cụ thể
Cách 1: Người dân xuất trình thẻ CCCD gắn chip tại cơ sở khám, chữa bệnh, khi quét mã QR đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành.
- Cách 2: Người dân có thể sử dụng thẻ BHYT đã được xác thực trên ứng dụng VNeID (ứng dụng định danh điện tử mức 2) bằng cách mở cài đặt VNeID trên điện thoại di động sau đó đăng nhập tài khoản VneID.
Tiếp đó, chọn mục “Ví giấy tờ”, sau đó chọn “Thẻ BHYT”; nhập mã để xác minh người dùng và xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID cho nhân viên y tế.
- Cách 3: Người dân cũng có thể sử dụng ứng dụng VssID trên điện thoại để thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh.
Theo đó, sau khi đăng nhập thành công, trên giao diện chính của ứng dụng VssID, người dân cần chọn mục “Quản lý cá nhân”, tiếp đó chọn mục “Thẻ BHYT” và sau đó chọn “Sử dụng thẻ” hoặc “Hình ảnh thẻ”.
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM