Góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 72 về thông tin xuyên biên giới

(PLO)- Theo ThS Nguyễn Nhật Khanh (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM), dự thảo vẫn chưa làm rõ được cơ chế chịu trách nhiệm, xử lý vi phạm liên quan đến việc cung cấp thông tin xuyên biên giới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Thông tin và truyền thông đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

IMG_20230914_124218.jpgMột hội thảo góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Ảnh: VT

Góp ý cho dự thảo, ThS Nguyễn Nhật Khanh (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng nội dung dự thảo có một số điểm mới tích cực để phù hợp với Luật An ninh mạng năm 2018 và khắc phục một số vướng mắc trong việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thời gian qua. Một trong các nội dung mới ông đánh giá cao là việc bổ sung các nội dung liên quan đến quy định về cung cấp thông tin xuyên biên giới.

Cụ thể, dự thảo đã đưa ra định nghĩa cung cấp thông tin xuyên biên giới là việc tổ chức, cá nhân tại nước ngoài cung cấp thông tin và dịch vụ nội dung thông tin cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập hoặc sử dụng dịch vụ dưới hình thức trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trên mạng và các loại hình tương tự khác (khoản 36, Điều 3).

Cạnh đó, dự thảo đã bổ sung điểm b, h, i khoản 3 Điều 26 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới như kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, khoản 1 Điều 5 Nghị định này.

Trong thời gian 48 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại của người dùng Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới phải xử lý bằng biện pháp tạm khóa các nội dung, dịch vụ, ứng dụng bị khiếu nại có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và thực hiện gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng khi có thông tin xác minh vi phạm...

Tuy nhiên, theo ThS Khanh, dự thảo vẫn chưa làm rõ được cơ chế chịu trách nhiệm, xử lý vi phạm liên quan đến việc cung cấp thông tin xuyên biên giới. Vấn đề quản lý thông tin xuyên biên giới (nhất là dịch vụ mạng xã hội do nước ngoài cung cấp) còn gặp nhiều khó khăn do khoảng cách địa lý. Đối với hành vi vi phạm quản lý thông tin xuyên biên giới mà xác định được chủ thể, nếu đó là công dân Việt Nam thì sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Còn đối tượng vi phạm là người nước ngoài, tổ chức nước ngoài thì xử lý theo hình thức không xác định được đối tượng và phải phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nhằm ngăn chặn.

Theo ThS Khanh, vì đối tượng vi phạm là chủ thể không xác định và hành vi vi phạm được thực hiện trên mạng xã hội nước ngoài nên việc xử lý hành vi vi phạm đó chỉ được thực hiện về phương diện kỹ thuật mà không có bất kỳ chế tài nào đối với chủ thể đó.

Hiện nay, Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như dự thảo cho phép tối đa sau 48 giờ thì tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải gỡ bỏ thông tin khi nhận được yêu cầu. Điều này là hợp lý bởi do chênh lệch về múi giờ giữa các quốc gia, việc quy định một khoảng thời gian quá ngắn sẽ gây bất lợi và khó khăn trong việc giải quyết vi phạm.

Tuy nhiên, theo ThS Khanh, nhà làm luật lại không quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xem xét giải quyết. Trong trường hợp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới “phớt lờ” yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hay các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thì vấn đề xử lý có thể sẽ đi vào “ngõ cụt”. Mặc dù dự thảo nghị định có bổ sung quy định cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm nhưng rõ ràng đây là giải pháp không triệt để và hành vi vi phạm vẫn có thể tiếp diễn dưới các hình thức khác.

Vì vậy, ThS Khanh cho rằng cần thiết phải có quy định về hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia trong việc quản lý hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới để xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn.

Liên quan đến việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, ThS.LS Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn luật sư TP. HCM) ủng hộ việc dự thảo bổ sung hai trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền được áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm (điểm a, b khoản 4 Điều 36). Đó là trường hợp tổ chức, cá nhân quản lý trang thông tin điện tử, mạng xã hội không thực hiện gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm hoặc cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền không thể liên hệ được

Tuy nhiên, theo LS Ý, dự thảo vẫn chưa làm rõ được trong thời hạn bao lâu kể từ khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân quản lý trang thông tin điện tử, mạng xã hội không thực hiện gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm thì các cơ quan quản lý mới thực hiện việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn. Nội dung, dịch vụ, ứng dụng của các trang thông tin điện tử, mạng xã hội vi phạm đến mức nào thì bị ngăn chặn và ngoài biện pháp ngăn chặn thì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự gì không? Cạnh đó, cũng cần làm rõ việc nếu các trang thông tin điện tử, mạng xã hội do nước ngoài cung cấp thì có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn được không và áp dụng như thế nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm