Grab lên tiếng sau buổi làm việc với Tổng cục Thuế

Sau buổi làm việc với Tổng cục Thuế để giải quyết vướng mắc trong triển khai nghị định 126/2020 về quản lý thuế vào chiều 9-12, tối cùng ngày đại diện Grab đã phát đi thông cáo báo chí bày tỏ sự thất vọng bởi kết quả làm việc này.

Theo đại diện Grab, cuộc làm việc đã không đạt được một kết quả tích cực nào vì Tổng cục Thuế không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Grab cho rằng đến nay Tổng cục Thuế chưa có hướng dẫn triển khai nghị định cho doanh nghiệp này. Ảnh: T.TRANG

“Chúng tôi rất bức xúc về yêu cầu của Tổng cục Thuế muốn tăng mức thu thuế đối với doanh thu của đối tác tài xế từ 3% lên 10%, dù biết rằng các đối tác tài xế này không có khả năng khấu trừ GTGT đầu vào, nhưng Tổng cục Thuế không có sự giải thích rõ ràng mà dựa vào những luận điểm rất không nhất quán”- đại diện Grab khẳng định.

Chẳng hạn, Tổng cục Thuế hôm nay tự khẳng định rằng tài xế xe ôm công nghệ là người lao động của Grab và không phải chịu thuế GTGT cho khoản doanh thu của mình. Tuy nhiên, trước đây theo Công văn 384/2017, Tổng cục Thuế đã hướng dẫn rằng khoản doanh thu từ hoạt động hợp tác kinh doanh phải được phân định cho hai chủ thể.

Cụ thể, phần doanh thu của Grab phải chịu thuế GTGT 10%, còn phần doanh thu của đối tác tài xế xe hai bánh phải chịu mức thuế 3% theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh. Văn bản này của Tổng cục Thuế đã phân loại tài xế xe hai bánh là cá nhân kinh doanh và là người nộp thuế theo Điều 4 Luật Thuế GTGT.

Grab hiểu rằng hiện nay Tổng cục Thuế muốn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách từ các cá nhân kinh doanh có hợp tác kinh doanh với tổ chức. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định 126.

Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai và nộp thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo mức chung của tổ chức là 10%. Grab khẳng định cũng hiểu Nghị định 126 nói trên chỉ điều chỉnh thủ tục và phương pháp kê khai, nộp thuế; còn việc xác định những đối tượng nào phải nộp thuế, người nộp thuế - chịu thuế GTGT thì phải căn cứ vào Luật thuế GTGT.

“Do đó, chúng tôi rất quan ngại rằng cách giải thích của Tổng cục Thuế về việc công ty Grab phải chịu hoàn toàn nghĩa vụ nộp thuế với tư cách là người nộp thuế cho toàn bộ doanh thu, bao gồm cả phần doanh thu của đối tác tài xế là không phù hợp với Luật thuế GTGT…”- Grab nêu quan điểm.

Là một doanh nghiệp có trách nhiệm và luôn nỗ lực tuân thủ quy định của pháp luật, Grab khẳng định đã tích cực đóng góp ý kiến cho dự thảo văn bản ngay từ tháng 5-2020 và tiếp tục gửi công văn đề nghị hướng dẫn một số điểm của Nghị định 126, với mong muốn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho đối tác tài xế và người dùng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, doanh nghiệp này chưa nhận được hướng dẫn nào từ cơ quan thuế.

“Mặc dù vậy, trong lúc này, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ nghị định 126, Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế và các công văn hướng dẫn của cơ quan thuế, bởi tuân thủ pháp luật luôn là tiêu chí hàng đầu trong quá trình hoạt động của Grab tại Việt Nam. Chúng tôi rất mong Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc và xem xét lại để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và đối tác tài xế của chúng tôi…”- Grab nhấn mạnh.

Trong khi đó, trong thông cáo phát đi cùng giờ Tổng cục Thuế cho rằng Grab chưa chứng minh được lý do tăng giá cước, chiết khấu là do nghị định 126 mà doanh nghiệp thông tin trên một số báo chí mấy ngày vừa qua.

Theo đơn vị này, nghị định 126 không làm thay đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh vận tải. Đồng thời không làm tăng giá cước vận tải. Còn đối với tài xế, lái xe chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân mức 1,5% nếu doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, không phải nộp thuế giá trị gia tăng mức 3% như trước đây nữa.

“Do vậy, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế…”- đại diện Tổng cục Thuế cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm