"Chúng tôi nhìn thấy thị trường Việt Nam đang rất hấp dẫn và đây là cơ sở để chúng tôi quyết định đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam" - ông Ming Maa nói.
Thực tế khoản đầu tư này vẫn còn nhỏ so với Indonesia khi Garb công bố kế hoạch đầu tư vào đây với trị giá 2 tỉ USD.
Ông Ming Maa cho biết thị trường Việt Nam tương tự Indonesia đó là đang sở hữu nền tảng khách hàng trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và rất hứng thú sử dụng các ứng dụng hấp dẫn.
Nếu như Grab nhìn về Indonesia xây dựng một hệ thống "một cửa" các dịch vụ như thanh toán, giao đồ ăn, logistics, đặt phòng khách sạn thì thị trường Việt Nam đang được triển khai một cách tương tự.
Theo ông Maa, Việt Nam là thị trường lớn thứ ba của Grab. Hiện nay, Grab đang hợp tác với công ty finteech Việt Nam là Moca để phát triển ví điện tử và có một liên doanh với Credit Saison, một công ty thẻ tín dụng Nhật để cung cấp khoản vay tín dụng.
Điều này cho thấy Grab đã nhìn thấy một cuộc chơi lớn hơn không chỉ thị trường chia sẻ xe. Nhờ nắm giữ dữ liệu lớn từ khách hàng và tài xế, Grab sử dụng các hiểu biết này để tạo ra các sản phẩm tài chính như bảo hiểm, tín dụng và các dịch vụ quản lý tài sản.
Ông Maa cũng nói Singapore đã cấp phép cho Grab hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng số, chỉ hoạt động online, mà điều này được ông Maa mô tả Grab sẽ thực hiện các dịch vụ tài chính tương tự ngân hàng truyền thống nhưng với chi phí rẻ hơn rất nhiều.