Ngày 14-8, đại diện Công ty Grab tại Việt Nam khẳng định rất hoan nghênh ý tưởng của Hiệp hội Taxi Hà Nội về việc chuyển đổi sang hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử.
Bên cạnh đó, Grab cho rằng Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành đảm bảo quyền cơ bản cho tất cả doanh nghiệp được phép lựa chọn bất kỳ mô hình kinh doanh nào phù hợp và tạo ra nhiều lợi ích nhất cho thị trường, xã hội.
Nhắc đến Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị này dẫn chứng không chỉ Grab, Emddi tham gia mà các đơn vị vận tải truyền thống như Vinasun, Mai Linh, Thành Công… cũng chủ động tham gia từ đầu. Việc này góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô dưới chín chỗ trên thị trường.
Taxi truyền thống muốn chuyển đổi mô hình hoạt động. Ảnh: Internet
Đại diện Grab khẳng định khi chuyển mô hình, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, giảm tỉ lệ xe chạy rỗng trên đường, góp phần giảm đáng kể ùn tắc giao thông đô thị do phương tiện đến đón đúng địa chỉ với quãng đường di chuyển ngắn nhất.
“Theo thống kê, các xe hoạt động theo phương thức này có hiệu suất sử dụng lên đến hơn 70% (phương thức cũ chỉ 20%-30%). Thu nhập trung bình mỗi giờ của tài xế do vậy cũng cao hơn 55% so với mức lương trung bình theo giờ của quốc gia…” - đại diện Grab phân tích.
Bên cạnh đó, Grab nhận định mô hình xe hợp đồng điện tử giúp người dân rút ngắn thời gian chờ xe, giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, chia sẻ thông tin chuyến đi khi cần nhằm nâng cao an toàn cho hành khách.
Ngoài ra, việc sử dụng ứng dụng trong kinh doanh vận tải với dữ liệu hành trình và giá cước được ghi nhận trên từng chuyến đi cũng góp phần làm minh bạch hoạt động vận tải hành khách, đồng thời quản lý hiệu quả được việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
“Sự thức thời của các doanh nghiệp taxi truyền thống trong việc khao khát chuyển mình và hòa nhập vào thị trường để cạnh tranh phục vụ người tiêu dùng tốt hơn thay vì đòi hỏi việc bó buộc thị trường là một tinh thần hết sức đáng mừng và nên được khuyến khích trong công cuộc đưa Việt Nam bắt kịp và đón đầu làn sóng công nghiệp 4.0...” - Grab khẳng định.
Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa kiến nghị UBND Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GTVT TP Hà Nội hướng dẫn thủ tục để chuyển hình thức kinh doanh từ vận tải hành khách bằng taxi (truyền thống) sang vận tải theo hợp đồng điện tử bằng ô tô dưới chín chỗ (taxi công nghệ). Theo ông Hồ Quốc Phi, Tổng thư ký hiệp hội, các hãng truyền thống đã kết hợp dùng ứng dụng phần mềm để hỗ trợ đặt, gọi xe... và cũng đáp ứng được các điều kiện của taxi công nghệ giống Uber, Grab... Đề nghị này được nêu ra vì hiệp hội cho rằng nghĩa vụ thuế của taxi truyền thống và công nghệ khác nhau. Do vậy, Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị Tổng cục Thuế, Cục Thuế, UBND TP Hà Nội hướng dẫn về khả năng được hồi lại khoản thuế chênh lệch đã nộp (nếu có) những năm trước khi đáp ứng được đồng thời cả hai điều kiện kinh doanh của taxi truyền thống và công nghệ. |