Điều đặc biệt là người mua và người bán đều không lấy tiền. Với thông điệp của phiên chợ 0 đồng này là ai thừa mang đến, ai cần lấy đi, đây là nơi đang thu hút sự chung tay chia sẻ của cộng đồng nhằm phục vụ nhu cầu “mua sắm” với giá... 0 đồng.
Gọi là chợ vì sân nhà thờ dành một khoảng rất rộng đặt treo các kệ quần áo, bàn đặt giày dép, mũ bảo hiểm, đồ dùng học tập... từ mọi người trong cộng đồng chung tay đóng góp. Đó là một việc làm ý nghĩa kêu gọi những người thừa quần áo, giày dép cũ... góp phần giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian phục vụ từ 6 giờ đến 11 giờ các ngày trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Bảy).
Phiên chợ 0 đồng được tổ chức từ năm 2016 và chỉ mở vào tháng 6 và tháng 12 trong năm. Trong quá trình hoạt động, do người trao và người nhận ngày càng nhiều nên mấy tháng nay chợ mở từ sáng thứ Hai đến sáng thứ Bảy.
Với mong muốn đến phiên chợ góp một ít quần áo, sách..., người viết được biết phiên chợ không chỉ diễn ra ở sân nhà thờ mà còn lan tỏa đến các vùng quê khó khăn. Thời gian gần đây, số người mang đồ đến khá nhiều nên đã có những chuyến hàng chuyển lên vùng sâu, vùng xa (một số xe đã chuyển đồ đến một tỉnh ở Tây Nguyên trong những ngày mưa lũ này).
Dạo một vòng chợ cũng như phòng tiếp nhận đồ mang đến trao, người viết thấy đồ đạc đem đến xếp gọn gàng, nhiều đồ còn rất mới. Số đồ được đưa đến mỗi ngày một nhiều. Khi biết được ý nghĩa của phiên chợ, nhiều người nhiệt tình ủng hộ. Có người kêu gọi người thân, bạn bè quyên góp mang đến. Có những người ở xa không đem đồ trực tiếp đến, họ đã thuê xe các bác xe ôm công nghệ đem sang.
Hôm qua, có một bác tài xế Grab chở hàng của người trao đến phiên chợ để giao. Sau một lần ngần ngại, ông quệt những giọt mồ hôi trên mặt rồi cũng dạo một vòng chợ chọn cho con mình vài món đồ ưng ý. Trò chuyện, tôi được biết con ông sắp bước vào năm học mới nhưng chưa có cặp để dùng. Nhìn bác tài xế Grab chọn đồ cho con, nhìn người dân đến thử những món đồ đang cần tìm, tôi thấy phiên chợ 0 đồng càng thêm yêu, thêm ấm áp tình người.
Có đến đây mới cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc giữa người cho và người nhận. Người nhận không chỉ nhận những sản phẩm vật chất, hữu hình mà còn nhận được tình cảm chân thành của những con người hướng về cộng đồng.
TP.HCM nơi của những con người hào sảng trong nếp sống hằng ngày ở nhiều lĩnh vực, có công góp công, có của góp của. Phiên chợ 0 đồng vì thế càng thêm ấm áp.
Tình người bắt đầu từ những gì nhỏ nhặt nhất, gần gũi nhất và thân thương nhất bởi sự quan tâm, chia sẻ với những người quanh mình.
Tôi đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình ở chợ 0 đồng. Bạn có thể cùng tôi đến phiên chợ, mang hàng hóa đến, nhận niềm vui về. Nơi đó luôn có những nụ cười chào đón chúng ta.