Câu chuyện tôi mới trải qua hồi tháng 4.
1. Lần đó tôi từ quê trở lại TP.HCM làm việc. Kể ngoài lề chút xíu là quê tôi cũng thuộc vùng sâu, vùng xa nên khi về nhà ăn mặc phải ý tứ để “tránh bà con xì xào”. Rồi lúc vào lại, mẹ có gửi ít đồ quê thêm nữa. Chắc tại tôi trông nhỏ nhỏ, quê quê nên ngay khi vừa bước ra khỏi cửa sân bay, anh tài xế đã ngoắc lại ngay:
- Đi đâu em gái, anh chở cho, lấy rẻ thôi!
Tính gọi Grab nhưng thấy anh tài xế nhiệt tình, mặt cũng hiền lành nên tôi đáp:
- Em về Hoàng Việt (Tân Bình) đoạn khách sạn Đông Phương thì hết nhiêu anh?
- 150.000 đồng thôi bé ạ!
Lúc đó tôi á khẩu luôn. Chỉ kịp hô: “Đắt dữ”. Tôi nhớ lúc bắt Grab từ cơ quan tôi ở Hoàng Việt, Tân Bình ra sân bay chỉ mất có hơn 30.000 đồng, tôi trả luôn tài xế 40.000 đồng cho chẵn. Đâu dè taxi truyền thống hét giá đắt gần gấp năm lần.
- 100 ngàn nhá, lấy rẻ lắm rồi đấy. Anh tài xế tiếp tục kì kèo.
Tôi lắc đầu đi thẳng, chẳng buồn trả giá.
Taxi Vinasun dán biểu ngữ phản đối Uber, Grab. Ảnh: HỒNG TRÂM
2. Đó chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện tôi và bạn bè đã từng chứng kiến. Mấy hôm nay tôi thấy nhiều taxi của các hãng truyền thống dán khẩu hiệu phản đối đề án thí điểm gọi xe bằng hợp đồng điện tử của Bộ Giao thông vận tải, đại loại: “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”…, tôi thấy buồn cười quá nên mới kể lại và muốn nói vài dòng.
Thứ nhất đi xe ôm, taxi truyền thống, chúng tôi lo nhất là về giá cả. Cứ không rành đường mà gặp lái xe không tử tế là bị “chém đẹp ngay”. Ai đi rồi mới biết, không chỉ xe ôm truyền thống mà cả taxi truyền thống cũng hay hét giá kinh quá, chả biết đằng nào mà lần. Trong khi Grab, Uber thì hiện giá luôn, không sợ bị chặt chém. Có không ít trường hợp bạn bè tôi, nhất là những em nhỏ tuổi, khi chỉ đi một đoạn đường ngắn thì tài xế tỏ thái độ không vui, thậm chí còn nặng lời với khách, bị xin đểu, “vẽ thêm đường chạy”…
Thứ hai, nếu đi Grab hay Uber còn biết ít nhất người chở mình là ai, lỡ dại nếu không may có gì xảy ra thì còn dễ xác định được thông tin. Nhất là con gái đi đêm về hôm, ngồi lên xe người lạ làm sao thấy an toàn được.
Khách hàng chúng tôi đơn giản lắm: Dịch vụ đâu rẻ, tử tế thì chúng tôi đi thôi!
Không tự vận động thay đổi lại đổ lỗi cho cái tiến bộ hơn thì không hay.
Thu nhập xe ôm truyền thống giảm một nửa Tình cờ, trên đường từ chỗ làm ra sân tập rồi ngược về, mình đi hai chuyến xe ôm khác nhau. Một Grab và một xe ôm truyền thống. Anh lái xe Grab từ Nam Định lên Hà Nội phụ chú lắp cáp điện, ống nước... và mới kiếm thêm bằng lái GrabBike. Cũng vì mới tập thêm việc, anh không biết đường, cũng chẳng xác định nổi chỗ khách. Tặc lưỡi, mình vừa ngồi sau vừa chỉ. Giá của cuốc xe là 23.000 đồng. Mình trả 25.000 đồng vì cũng thấy là đồng hương. Trên đoạn đường đi anh kể nhờ GrabBike mà anh có thể kiếm thêm 6 triệu đồng/tháng. Từ sân tập, mình định gọi Grab về chỗ làm. Nhưng bác xe ôm tầm 60 tuổi chạy đến. Mặt thực sự lúc đó như kiểu nài nỉ và như thể biết rõ mình đang chờ Grab. Thấy sao sao, mình nhờ bác xe ôm chở về, giá là 30.000 đồng. Bác kể bác làm 15 năm nghề chạy xe ôm, chẳng có con đường nào ở Hà Nội mà bác không biết. Hồi chưa có Grab, bác kiếm 12 triệu đồng/tháng. Giờ chỉ còn tầm 6-7 triệu đồng.Tức là 6 triệu đồng mất đi như bốc hơi ấy. Thu nhập của xe ôm truyền thống cũng giảm tới một nửa về sự hiện diện của loại hình xe ôm công nghệ. Câu hỏi là vì sao lại như vậy? Vì sao bác tài 15 năm kia lại không được ưu ái bằng anh tài xế mới vào nghề không thuộc nổi đường kia? (Một câu chuyện của bạn tôi chia sẻ công khai trên Facebook, xin phép trích đăng). |