Khuyến nghị khách hàng gửi tiền nên đến giao dịch tại ngân hàng là một lời khuyên gượng ép, bởi giao dịch ngoài trụ sở của ngân hàng vẫn hợp pháp, hợp lệ, là một tiện ích của ngân hàng dành cho khách hàng. Đó là điều pháp luật không cấm. Khoản 2 Điều 8 về “Thủ tục gửi tiền gửi tiết kiệm”, Quy chế tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN đã quy định rõ: “Các lần gửi tiền thứ hai trở đi thì không bắt buộc khách hàng phải đến tận trụ sở”. Quy chế này cũng đã hai lần đề cập đến việc bảo đảm sự tiện lợi cho khách hàng.
Khi giao dịch tại nhà, khách hàng được an toàn và có lợi hơn, giảm thiểu được rủi ro bị trộm cướp, tai nạn khi đến gửi và rút tiền tại ngân hàng. Nếu phải từ chối việc giao dịch tại nhà thì đáng lý phải là từ phía ngân hàng vì sợ mất an toàn do không kiểm soát được nhân viên.
Trách nhiệm sống còn của ngân hàng là bảo đảm chính xác, an toàn tiền gửi của khách hàng. Việc bắt khách hàng kiểm tra số dư tiền gửi thực chất không có tác dụng bảo đảm an toàn tiền gửi, mà chỉ là để biết còn hay đã mất tiền để khiếu nại, báo cho… ngân hàng biết sớm. Khuyên khách hàng thường xuyên kiểm tra số dư tiền gửi chẳng khác nào cho rằng gửi tiền vào ngân hàng cũng nhờ vào may rủi là chính. Hay có thể nói ví von như kiểu gửi xe lấy thẻ rồi mà vẫn phải… ngồi cạnh trông xe vậy. Quá phi lý!
Quy chế tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 của thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có ba lần nêu yêu cầu “chính xác” và năm lần về bảo đảm “an toàn” đối với tiền gửi của khách hàng. Đặc biệt Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, đã lặp lại 54 lần từ “an toàn”.
Như vậy, nếu theo đúng quy định, khách hàng sẽ không bao giờ rút được tiền của chính mình nếu như ngân hàng chưa khẳng định được chính xác, khớp đúng, hợp pháp, hợp lệ cả bốn yếu tố sau đây: Sổ tiết kiệm, chứng minh nhân dân, chữ ký và nhận dạng chủ thẻ. Nếu người khác rút tiền thì ngân hàng sẽ còn phải xem xét cẩn trọng hơn. Vì vậy, kẻ gian dù cầm cả sổ tiết kiệm và giấy tờ tùy thân của khách hàng thì cũng không thể rút được tiền gửi.
Ngoài ra, theo Điều 87 Bộ luật Dân sự năm 2015 về trách nhiệm dân sự của pháp nhân nêu rõ: “Pháp nhân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện”. Điều này cũng tương tự như việc Nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho công dân khi cán bộ, công chức làm sai, sau đó mới xử lý trách nhiệm của cá nhân.
Căn cứ quy định này có thể khẳng định ngân hàng phải chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường cho khách hàng, vì nếu nhân viên không phạm tội, không làm sai quy định thì đã không xảy ra việc mất tiền.
Và gút lại có thể thấy điều quan trọng nhất đang phụ thuộc vào việc các cơ quan pháp luật có xác định trách nhiệm bồi thường của pháp nhân theo đúng pháp luật hay không. Trách nhiệm của pháp nhân và nghĩa vụ bảo đảm chính xác, an toàn tiền gửi của khách hàng cần phải được cụ thể hóa bằng trách nhiệm bồi thường của ngân hàng.
Cần phải chấm dứt nghịch lý đẩy trách nhiệm bảo đảm an toàn tiền gửi từ ngân hàng sang cho khách hàng rất phi lý như “lời khuyên” của cán bộ quản lý trên kia.