Hà Nội: Bán hàng ‘chặt chém’ quá đáng

Cô bạn tôi kể: “Tụi em ngồi trên chiếc chiếu họ trải, gọi ba ly trà chanh, thêm trái xoài xanh, một đĩa hạt hướng dương, vậy mà khi đứng lên tính tiền, họ nói hết 120.000 đồng! Thoạt đầu em nghĩ mình nghe không rõ hoặc người chủ tính nhầm nhưng khi hỏi lại, bà chủ vẫn bảo 120.000 đồng. Khi em thắc mắc làm sao mắc vậy, bà chủ nói một câu cụt lủn: “Giá ở đây là như vậy”! Rút tiền trả cho xong mà em ức quá bởi có gây sự chắc cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì…”. Rồi cô bạn tôi thắc mắc không lẽ nghe giọng miền Nam nên mới bị họ “chém” chứ làm gì mà đắt dữ vậy.

Tôi giải thích cho bạn hiểu rằng ở khu vực đó cũng như một vài điểm “đen” khác tại Hà Nội là đường Thanh Niên (Hồ Tây); khu vực các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình hay khu ga Hà Nội… luôn luôn xảy ra tình trạng người buôn bán “chặt chém” khách, bất kể khách là người bản địa hay khách thập phương. Ngay như tôi đây, dẫu là thổ địa tại khu vực Cầu Giấy, gần Bến xe Mỹ Đình vậy mà có lần cũng bị mấy người bán hàng nước ở đây “chém” tới… 10.000 đồng/cốc trà đá - một cái giá quá chát, trong khi mặt bằng chung của trà đá chỉ là 3.000 đồng/cốc! Đối với các mặt hàng đóng gói, đồ hộp, chai lọ… còn đỡ, bởi dù sao giá cả khách cũng nắm được, nếu đắt quá khách sẽ trả lại mà không mua. Thế nhưng với các loại hàng quà bánh, đồ ăn, thức uống… mà khách đã trót ăn, uống vào bụng rồi thì những người buôn bán thiếu lương tâm ở các “điểm đen” trên thường hét giá trên trời. Chính vì vậy khi tới các “điểm đen” trên nói riêng, cũng như các điểm công cộng, khu du lịch, danh lam thắng cảnh… nói chung, mọi người càng hạn chế mua bán, ăn uống tại những nơi này càng tốt. Nếu ai có ăn uống, mua bán gì thì cũng nên nằm lòng một điều, đó là phải hỏi giá trước rồi mới lấy hàng hay sử dụng dịch vụ để tránh bị “chặt chém”.

Thực trạng “chặt chém” khách ở những “điểm đen” tại thủ đô đã diễn ra từ lâu, gây khó chịu, phiền toái, bực bội cho nhiều người dân, du khách. Thiết nghĩ vấn đề tưởng nhỏ nhưng gây nên những tác động và ảnh hưởng xấu không hề nhỏ. Địa phương cần phải nhanh chóng vào cuộc để chấn chỉnh, dẹp bỏ, xử lý những tập thể, cá nhân làm ăn buôn bán “chặt chém” quá đáng, thiếu lương tâm. Nên có các số điện thoại của đường dây nóng để khi khách bị “chém” họ có thể nhanh chóng phản ánh. Với các tập thể, cá nhân làm ăn theo kiểu thất đức, khi đã nhiều lần bị nhắc nhở, xử lý mà vẫn tái phạm thì phải phạt thật nặng để răn đe, làm gương cho những người khác… Chỉ có thể làm cứng rắn, cương quyết và triệt để thì may ra tình trạng “chặt chém” quá đáng mới chấm dứt.

NGUYỄN HOÀNG ĐẠI (Hà Nội)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm