Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh đường hô hấp phát triển. Tại nhiều bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội hiện đã ghi nhận trường hợp nghi viêm đường hô hấp đến khám, nhất là trẻ nhỏ.
Tại BV đa khoa Xanh Pôn, nhiều trẻ nhỏ được gia đình đưa đến khám với các biểu hiện viêm đường hô hấp.
Bà NTN (bà nội của bệnh nhi HD, 2 tuổi, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Tối thứ 6 bé D sốt cao, co giật, gia đình đưa bé vào BV đa khoa Xanh Pôn, bé được chẩn đoán nghi ngờ, theo dõi cúm B. Sau 2 ngày điều trị, đến sáng nay bé đã cắt sốt. Bác sĩ (BS) thông báo nếu ổn định bé có thể ra viện chiều 7-11.
Nhiều bệnh nhi đến khám bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, ngày 7-11. Ảnh: NHƯ LOAN |
Tương tự, bé LTH (Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) cũng được mẹ đưa vào BV đa khoa Đống Đa, Hà Nội khám khi có biểu hiện sốt nhẹ, chán ăn, ho húng hắng… Tại đây, bé được BS thăm khám và kê đơn cho về nhà theo dõi cúm mùa.
Trao đổi với PLO, ngày 7-11, Ths-BS Đặng Khánh Ly – Trưởng khoa Nhi, BV đa khoa Đống Đa, cho biết: "Mỗi ngày khoa tiếp nhận khám cho gần 100 bệnh nhi đến thì có 3-4 trường hợp được chẩn đoán nghi ngờ, theo dõi cúm với các dấu hiệu như ho, sốt, sổ mũi…
Phần lớn các bé có thể trạng tốt, đều là những trẻ trong độ tuổi đến trường nên sau khám, BS kê đơn thuốc cho về theo dõi tại nhà. Chỉ những trường hợp sốt cao, co giật, thuộc nhóm nguy cơ mới được chỉ định xét nghiệm và nhập viện".
Cũng theo BS Ly, việc xét nghiệm cúm chỉ thực hiện trên những trường hợp có dấu hiệu quá nặng. Hầu hết chẩn đoán bệnh dựa trên khai thác các triệu chứng và thăm khám lâm sàng để từ đó tư vấn cho gia đình cách chăm sóc, theo dõi, đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời.
BS Ly cho biết thêm, tuần qua BV chỉ định 2 ca mắc cúm điều trị nội trú. Sau 3-5 ngày, trẻ cắt sốt, hết dấu hiệu cúm. “Đến sáng nay, 7-11, các bé đều khoẻ mạnh, được làm thủ tục ra viện ” – BS Ly thông tin.
ThS. BS Đặng Khánh Ly – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: NHƯ LOAN |
Theo BS Đào Trường Giang, khoa Nhi, BV Đa khoa Xanh Pôn, cúm là bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra và là một trong những bệnh do virus phổ biến nhất ở trẻ em ở cả Việt Nam và thế giới.
“Cúm có thể gây ra các biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim … thậm chí gây tử vong. Trẻ khỏe mạnh, đã tiêm vaccine ít bị biến chứng hơn so với những trẻ mắc các bệnh mãn tính hoặc miễn dịch yếu” – BS Giang nói.
Virus cúm được chia thành 3 loại gồm cúm A, B, C và mỗi loại cúm lại có rất nhiều chủng cúm khác nhau. Cúm A là loại thường gặp, gây ra các triệu chứng nặng nề hơn so với các loại cúm khác. Cúm H5N1, H7N9 đã từng gây ra đại dịch cúm rất nguy hiểm. Cúm B cũng thường gặp nhưng các triệu chứng thường nhẹ hơn, hiếm khi tử vong. Cúm C là gây ra những triệu chứng hô hấp rất nhẹ. Loại này ít được nhắc tới.
Nhiều người lớn tuổi cũng đợi khám bệnh, phần lớn đều có liên quan đến các bệnh đường hô hấp. Ảnh: NHƯ LOAN |
Các BS cũng nhấn mạnh, không phải tất cả trẻ tiếp xúc với virus cúm đều bị cúm. Trẻ khỏe mạnh nhiễm virus cúm hoàn toàn có thể chống lại virus và không có biểu hiện bệnh.
Trẻ có nguy cơ cao mắc cúm nếu sống trong khu vực đang có dịch cúm; tiếp xúc với người bị cúm; không rửa tay sau khi chạm vào các dụng cụ, bề mặt có virus cúm; chưa tiêm phòng cúm. Trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh mạn tính có nguy cơ mắc cúm cao hơn, thời gian điều trị lâu hơn, tỷ lệ biến chứng cao hơn và bệnh thường phức tạp hơn.
BS Giang lưu ý, kháng sinh không có hiệu quả chống lại cúm. Uống nhiều nước, nghỉ ngơi, dinh dưỡng sẽ góp phần cải thiện tình trạng bệnh.
“Cách tốt nhất để phòng cúm là tiêm vaccine cúm hàng năm. Trẻ đã tiêm vaccine cúm vẫn có thể bị mắc cúm nhưng thường thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn và ít bị biến chứng hơn”- BS Giang khuyến cáo.