Những ngày qua, các bệnh viện (BV) ở TP.HCM ghi nhận số bệnh nhi và người lớn đến khám, nhập viện điều trị bệnh lý đường hô hấp đều tăng.
Thời tiết có liên quan đến bệnh lý hô hấp
Theo ghi nhận, BV Nhi đồng 2 (quận 1) những ngày đầu tuần, rất đông phụ huynh đưa con nhỏ đến khám bệnh. Đa số trẻ đến khám các triệu chứng như sốt, ho, viêm họng, viêm phổi… Từ sáng sớm, nhiều người đưa con đến phải chờ khá lâu mới gửi được xe.
Đưa con trai ba tuổi đi khám bệnh ho, khò khè, chị LTV kể hồi đêm đã bắt xe từ Kiên Giang lên TP.HCM để kịp sáng sớm tới BV khám. Bốc số từ sáng sớm nhưng đến 9 giờ con chị vẫn chưa được khám. Trong thời gian chờ đợi, chị bế con đi qua đi lại cho bé đỡ quấy, chồng chị thì xếp hàng, làm thủ tục. “Biết là BV sẽ đông, tôi đã né không đi khám thứ Hai, vậy mà…” - chị V chia sẻ.
Những ngày qua, BV Nhi đồng 1, TP.HCM có rất đông người đến khám bệnh hô hấp cho con. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Theo số liệu thống kê của BV Nhi đồng 2 từ ngày 17 đến 19-10, BV có hơn 9.200 lượt khám, trong đó có hơn 2.630 lượt khám bệnh hô hấp ngoại trú và 141 ca điều trị hô hấp nội trú. So với số liệu của tháng 8 và tháng 9, lượt khám bệnh hô hấp ngoại trú tăng gần gấp đôi.
Tại BV Nhi đồng 1 (quận 10), đã 10 giờ nhưng lượt bệnh nhân đến khám vẫn còn nhiều. Ngồi chờ lấy kết quả xét nghiệm cho con, chị TCT cho biết vợ chồng chị từ Bình Phước đưa con lên TP khám từ sáng sớm. “Chúng tôi đi từ 2 giờ sáng, đến BV lúc 6 giờ để xếp hàng bốc số. Con tôi bị sốt mấy ngày nay, khám ở quê không bớt nên phải lên TP” - chị T nói.
Tránh yếu tố thuận lợi gây bệnh
Cần tiếp xúc giữ khoảng cách với người có triệu chứng và đeo khẩu trang, rửa tay sau khi tiếp xúc; tránh tiếp xúc với môi trường nhiều bụi, ô nhiễm; vệ sinh nhà cửa, phòng thoáng khí; tránh dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
TS-BS TRẦN VĂN THI
Theo thống kê, số trẻ khám bệnh hô hấp ngoại trú và phải điều trị nội trú ở BV Nhi đồng 1 đều tăng khoảng ba lần so với thời điểm dịch COVID-19 vừa được kiểm soát. ThS-BS Lê Bình Bảo Tịnh, Phó Khoa hô hấp BV Nhi đồng 1, cho hay tình hình trẻ có bệnh lý hô hấp nhập viện, đặc biệt là các trẻ mắc viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen phế quản vào khoảng tháng 9, tháng 10 đã được dự đoán trước.
Tại Khoa hô hấp BV Nguyễn Tri Phương (quận 5), người lớn nhập viện điều trị các bệnh lý hô hấp có biểu hiện gia tăng, chủ yếu là các bệnh nhân có bệnh lý nền sẵn như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, đái tháo đường kiểm soát. Trong đó có bệnh nhân nặng cần phải thở máy và hỗ trợ hô hấp.
TS-BS Trần Văn Thi, Trưởng Khoa hô hấp BV Nguyễn Tri Phương, lý giải: Do thời tiết miền Nam hiện thay đổi thất thường, không khí đang chuyển lạnh là điều kiện thuận lợi làm gia tăng bệnh lý đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. “Những người có bệnh lý hô hấp nền như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc những bệnh nhân có các bệnh mạn tính dễ bị mắc bệnh và nguy cơ chuyển nặng hơn” - TS-BS Trần Văn Thi nói thêm.
Chủ động phòng bệnh hô hấp
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động phòng bệnh hô hấp bằng cách tăng cường vận động nâng cao sức đề kháng, uống đủ nước, ăn nhiều thực phẩm dinh dưỡng như rau xanh, trái cây; tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh thuận lợi.
Theo TS-BS Trần Văn Thi, người dân cần tránh thay đổi đột ngột thân nhiệt như từ phòng máy lạnh ra ngoài trời nóng. Không ngồi hoặc nằm để quạt thổi trực tiếp vào người hoặc tắm ngay khi mới đi nắng về. Không nên uống nước đá lạnh vì ngoài thay đổi đột ngột thân nhiệt, đá lạnh còn tác động trực tiếp trên niêm mạc đường hô hấp cũng như giảm hấp thu qua đường tiêu hóa.
ThS-BS Lê Bình Bảo Tịnh cho biết: Các trẻ có bệnh lý trở nặng, phải hỗ trợ hô hấp tích cực thường rơi vào trẻ nhỏ dưới ba tháng tuổi, trẻ có các bệnh lý nền như tim bẩm sinh, hệ miễn dịch suy yếu, sinh non… Năm 2021, do giãn cách xã hội thời gian dài, người dân ít giao tiếp với nhau, đeo khẩu trang, vệ sinh tay và khử khuẩn môi trường tốt nên tình trạng mắc các bệnh viêm đường hô hấp cũng giảm hẳn. Các biện pháp phòng ngừa COVID-19 cũng giúp hạn chế các virus gây bệnh hô hấp khác.
“Thời gian qua BV cũng chú ý đến bệnh lý viêm phổi do Adenovirus. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm những ca nghi ngờ chỉ rải rác vài ca và mặt bệnh không có nhiều thay đổi so với những năm trước nên không đáng lo ngại” - ThS-BS Lê Bình Bảo Tịnh nhận định.
Theo dõi dấu hiệu bệnh hô hấp trở nặng ở trẻ
Trẻ mắc bệnh lý đường hô hấp ở mức độ trung bình, nhẹ thì khâu chăm sóc quan trọng gồm có vệ sinh mũi sạch sẽ, theo dõi phát hiện các dấu hiệu trẻ trở nặng sớm như thở nhanh hơn so với bình thường bằng cách đếm nhịp thở của trẻ, trẻ thở rút lõm ngực, không ăn uống được cần đưa khám ở cơ sở y tế ngay.
Bệnh hô hấp rất thường gặp ở trẻ em, nếu trẻ có dấu hiệu nặng cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất, cân nhắc nhập viện ở xa vì có thể gây vất vả cho bé và người nhà.
ThS-BS LÊ BÌNH BẢO TỊNH, Phó Khoa hô hấp BV Nhi đồng 1