Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Tuy nhiên, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được thực hiện từ ngày 1-7-2021 cho đến khi Quốc hội (QH) quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
81,16% đại biểu QH tán thành việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Đáng chú ý, tên gọi của nghị quyết đã thay đổi so với dự kiến ban đầu. Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng tên gọi dự kiến trước đây (dự thảo nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội) chưa thể hiện đầy đủ bản chất của việc thí điểm là tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Nội dung thí điểm không chỉ tổ chức lại chính quyền địa phương ở phường mà còn liên quan đến việc điều chỉnh địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND quận, thị xã và nhiều vấn đề khác thuộc thẩm quyền của chính quyền TP.
Tên gọi này cũng dễ dẫn đến cách hiểu không đúng khi cho rằng việc thí điểm chỉ nhắm đến việc "bỏ HĐND phường".
Theo nghị quyết, chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.
Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại TP Hà Nội là UBND phường.
UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, chủ tịch UBND TP Hà Nội, UBND, chủ tịch UBND quận, thị xã.
Về ý kiến đề nghị mở rộng việc thí điểm tại các tỉnh, TP khác như TP.HCM, Đà Nẵng, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng việc thí điểm đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là vấn đề rất hệ trọng, cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Hiện tại, Chính phủ mới trình QH cho thực hiện thí điểm ở Hà Nội. Đối với các địa phương khác đáp ứng đủ điều kiện, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thí điểm thì đề nghị báo cáo Chính phủ để trình QH xem xét, quyết định.
Cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị chọn khoảng một nửa hoặc 1/3 tổng số phường thuộc TP Hà Nội để thực hiện thí điểm, nếu thí điểm đạt kết quả tốt thì thực hiện ở tất cả phường khác.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về tổ chức chính quyền địa phương và tạo thuận lợi trong việc ban hành, triển khai thực hiện các quy định, chính sách trên toàn TP, cần thiết phải thực hiện thí điểm tại tất cả phường của Hà Nội.
Mặt khác, việc thực hiện thí điểm bắt đầu từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 nên không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của HĐND phường nhiệm kỳ 2016-2021.
“Xin phép QH cho giữ phạm vi thí điểm tại tất cả 177 phường của Hà Nội” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói.
Nghị quyết vừa được QH thông qua quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, chủ tịch UBND quận, thị xã và UBND phường. Đáng chú ý, chủ tịch UBND quận, thị xã có nhiệm vụ, quyền hạn: Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường; tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật công chức phường. Đồng thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND phường. HĐND, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm ban hành các quy định để tổ chức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP theo quy định của nghị quyết này và hướng dẫn của Chính phủ. Thực hiện sắp xếp các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức phường theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và người hoạt động không chuyên trách ở phường khi thực hiện thí điểm theo quy định của pháp luật. |