Sáng nay (29-10), Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ và thảo luận tại tổ về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại ở Hà Nội.
Theo đó, dự kiến từ nhiệm kỳ tới (2021-2026), tại khu vực đô thị, Hà Nội sẽ cho thí điểm bỏ HĐND phường, UBND phường sẽ hoạt động theo hình thức là đơn vị đại diện cho quận, thị xã.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay hiện mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội hiện nay “chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tạo được sự khác biệt” giữa đô thị và nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa, gia tăng dân số, vấn đề môi trường, hội nhập quốc tế.
Theo đó ông Tân cho hay việc thí điểm bỏ HĐND cấp phường - một trong những bước đệm để đổi mới mô hình chính quyền đô thị là cần thiết.
Cụ thể, nghị quyết đề ra thời gian điểm không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021-2026. UBND phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021-2026 được thành lập.
Khi thực hiện thí điểm thì một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường hiện nay sẽ được chuyển giao cho chính quyền địa phương các cấp của TP Hà Nội để bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn phường được thực hiện thông suốt, không bị bỏ sót.
Tại phường bỏ HĐND, lúc này UBND phường chỉ đóng vai trò là cơ quan hành chính của quận, thị đặt tại địa bàn. UBND phường sẽ không còn là một cấp quy hoạch, một cấp ngân sách, mà chỉ là đơn vị dự toán ngân sách thuộc UBND quận, thị xã; nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công trên địa bàn phường.
Về nhân sự tại UBND phường (thí điểm bỏ HĐND), UBND quận, thị xã quyết định về số lượng và cơ cấu thành viên UBND phường theo quy định của Nghị quyết; đồng thời, chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường là cán bộ giữ chức danh lãnh đạo quản lý, trực thuộc UBND quận, thị xã. Công chức phường thuộc biên chế hành chính của UBND quận, thị xã
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội không chỉ liên quan và tác động trực tiếp đến các phường thực hiện thí điểm mà còn liên quan và ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của các thiết chế thuộc chính quyền địa phương ở quận, thị xã và cấp TP.
“Để phù hợp, thích nghi với mô hình tổ chức chính quyền mới ở phường thì các thiết chế HĐND và UBND ở quận, thị xã và TP cũng phải cơ cấu lại nhiệm vụ, quyền hạn, xác định rõ việc nào TP đảm nhiệm, việc nào giao cho quận, thị xã và việc nào có thể giao cho cơ quan hành chính ở phường quyết định; cùng với đó là phải đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan, đặc biệt là UBND phường” - ông Định nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định.
Theo ông Định, bên cạnh việc làm rõ các nội dung phân quyền, cần đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền và tăng cường sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với chính quyền ở phường để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Hơn nữa, việc thay đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND) sẽ kéo theo nhiều thay đổi trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương (các cơ quan thuộc hệ thống chính trị đồng cấp và các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương)…
Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng tuy UBND phường nơi thực hiện thí điểm có sự khác biệt cơ bản về địa vị pháp lý, tính chất và cơ cấu tổ chức nhưng nhất trí vẫn giữ tên gọi là UBND với những lý do nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Ông Định cũng đề nghị xác định cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch và các công chức của UBND (không có chức danh ủy viên UBND như hiện nay).
“Với cơ cấu tổ chức nêu trên, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, không phải theo chế độ tập thể như UBND phường ở những nơi không thí điểm” - ông Định nói.