Trình bày tờ trình và dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sau một thời gian thực hiện Luật Chính quyền địa phương, chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn đã bước đầu có sự phân biệt nhưng chưa rõ nét.
Mô hình quản lý hiện hành của TP chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tự chủ, thiếu linh hoạt. Khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với đô thị còn bất cập.
“Bên cạnh đó, thẩm quyền của HĐND ở cấp huyện và nhất là cấp xã về thực chất chưa quyết định được những vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội trên địa bàn, nhân sự, quy hoạch…” - bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Theo ông Tân, Chính phủ cho rằng những thách thức về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, giao thông, môi trường, an ninh trật tự... nêu trên đòi hỏi TP Hà Nội có mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của thủ đô, trong đó có nội dung thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc các quận, thị xã của Hà Nội.
Chính phủ nhận định thí điểm như vậy đảm bảo bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
Nếu được QH đồng ý, Hà Nội sẽ xây dựng mô hình hai cấp chính quyền (TP và quận) và cơ quan hành chính tại phường ở khu vực đô thị; mô hình ba cấp chính quyền (TP, huyện và thị xã, xã và thị trấn) ở khu vực nông thôn.
Góp ý, bà Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp QH, đồng ý về chủ trương nhằm tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển. Tuy nhiên, khi Chính phủ trình QH cho ý kiến cần kèm theo cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng phải làm rõ chức năng khi UBND phường không có HĐND. Đồng thời, xem xét thí điểm tên gọi là ủy ban hành chính cho đúng bản chất chứ không phải là UBND như hiện hành. “Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch phường chứ không phải HĐND, tức cấp trên bổ nhiệm cấp dưới, thì đương nhiên là ủy ban hành chính…” - Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết nếu đổi tên thì thay đổi toàn bộ giấy tờ, giấy đỏ, chứng minh nhân dân… “Sau khi tính đi tính lại và lấy ý kiến người dân, chúng tôi nhận thấy việc thay đổi tên không cần thiết nên quyết định giữ nguyên tên là UBND” - ông Chung lý giải.
Kết luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng Ủy ban Thường vụ QH tán thành việc thí điểm trên. Đồng thời đề nghị các đơn vị bổ sung toàn diện để QH cho ý kiến vào tuần tới.