Hà Nội phải khai thác tối đa Luật Thủ đô để trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước

(PLO)- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Hà Nội cần nắm bắt tốt cơ hội, khai thác tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù của Luật Thủ đô để phát triển đột phá, tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 1-7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 17 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Thu ngân sách Hà Nội đạt hơn 252 nghìn tỷ

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết theo chương trình kỳ họp đã được thông qua, tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP sẽ xem xét 17 báo cáo và thông qua 22 nghị quyết.

Trong đó, có nhiều nội dung rất quan trọng như: cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị; đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng cho hay tình hình kinh tế- xã hội của Hà Nội 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao, trong đó chỉ tiêu GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 6,0%.

Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước của TP từ đầu năm đến nay ước đạt 252.054 tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 237.747 tỷ đồng, chiếm khoảng 94,3% tổng thu ngân sách nhà nước.

ha-noi-nguyen-ngoc-tuan.jpg
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn (Ảnh: NH)

“Đây là mức tăng khá cao trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức” – ông Tuấn nói và cho biết các ngành kinh tế đều tăng trưởng và phát triển ổn định với các chỉ số như lượng khách du lịch tăng 13,7%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 52%...

Về hoạt động giám sát, ông Tuấn cho biết, HĐND thành phố sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội theo quy định của luật.

Đặc biệt, Thường trực HĐND TP sẽ tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề, gồm: việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ và công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn.

"Đây là những nội dung quan trọng và thiết thực, đang được thành phố tập trung chỉ đạo, được phản ánh qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát và đề xuất của các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND TP" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo đó, ông Tuấn đề nghị các vị đại biểu phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết góp phần vào sự thành công của kỳ họp.

Khai thác tối đa cơ chế đặc thù cho Thủ đô

Tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị HĐND TP Hà Nội tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nghị quyết của TƯ, Quốc hội, Chính phủ và của TP Hà Nội đã ban hành, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP Hà Nội khẩn trương quán triệt, triển khai thi hành luật Thủ đô sửa đổi và phối hợp với các cơ quan để hoàn thiện 2 quy hoạch quan trọng của thủ đô, trình Thủ tướng ban hành theo thẩm quyền.

Đối với luật Thủ đô sửa đổi, bà Thanh khẳng định luật này với những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước, trong đó thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý luật cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong việc thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thủ đô, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân.

ha-noi-nguyen-thi-thanh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh (Ảnh: NH)

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay theo thống kê Luật Thủ đô sửa đổi có trên 50 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND TP, do vậy Hà Nội cần nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt, phát huy mạnh mẽ vai trò của mình và huy động sức mạnh tổng hợp để khai thác tối đa hiệu quả của các cơ chế đặc thù nhằm khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy, phát huy các lợi thế sẵn có.

“Chủ động nghiên cứu, rà soát, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai, thực hiện, trong đó cần xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để luật Thủ đô đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực ngay khi có hiệu lực”, bà Thanh nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong quá trình triển khai kế hoạch thực hiện, Hà Nội cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình tổ chức triển khai Luật Thủ đô và các Quy hoạch của Thủ đô sau khi được phê duyệt nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị HĐND TP Hà Nội quan tâm việc quy hoạch đội ngũ cán bộ, chuẩn bị nhân sự của HĐND, cho Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVIII; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ được thực hiện trong năm 2026.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện , quan tâm thực hiện chính sách giải quyết lao động dôi dư, chính sách đãi ngộ đối với những người đương chức, những người nghỉ hưu và những người trong diện sắp xếp…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm