Chiều 28-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Thảo luận tại hội trường, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép Hà Nội được chuyển đổi sử dụng đất rừng trên 1.000 ha và đất trồng lúa trên 500 ha làm các mục đích khác.
Ông Hòa đề nghị cần cân nhắc và không nên cho phép chuyển đổi bởi với quy mô dân số đông lại có các trụ sở bộ ngành lớn, Hà Nội rất cần đất rừng để "lá phổi" xanh cho người dân được hưởng không khí xanh, sạch.
"Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trên 1.000 ha là thế nào? Có phải 2.000ha rừng hay 3.000 ha rừng? Cần làm rõ quy mô này để khống chế", ông Hòa nêu và đề nghị cần cân nhắc chỉ nên cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô dưới 1.000ha và đất trồng lúa dưới 500ha.
ĐB Hoà cũng bày tỏ sự lo ngại khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cơ chế cho phép Hà Nội biến các khu bãi bồi, bãi giữa ven sông trở thành khu đô thị, trung tâm văn hóa, du lịch.
“Bãi bồi, bãi giữa sông Hồng có lịch sử và giá trị tự nhiên do bồi lắng của sông Hồng tạo nên. Nếu chuyển đổi các vùng bãi bồi, bãi giữa này thành khu đô thị, trung tâm văn hóa, du lịch sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hồng. Trong trường hợp cấp bách, sẽ khó có giải pháp để di dời, phòng tránh những diễn biến bất thường của thiên nhiên, nhất là khi biến đổi khí hậu ngày càng khó lường” – ĐB nói.
Theo ĐB Hòa, Hà Nội không đến nỗi thiếu hụt quỹ đất, Thủ đô Hà Nội không cần chọn bãi giữa sông Hồng để xây dựng trung tâm văn hóa, du lịch vừa tốn kém kinh phí trị thủy vừa gây rủi ro.
Liên quan nội dung này, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho hay dự thảo Luật thủ đô (khoản 2, điều 17) quy định khai thác tiềm năng ven sông, bãi sông có nêu “được phép xây dựng các công trình” nhưng yêu cầu phải “tuân thủ Luật đê điều”. Theo ông quy định như vậy sẽ diễn ra “tình trạng như trong thời gian qua” là các khu đất ven sông, bãi sông sẽ không khai thác được.
Ông phân tích, hành lang thoát lũ bao gồm toàn bộ phần không gian ngoài đê, trong đó có dòng chảy mùa lũ và phần chứa nước để chậm lũ.
“Nếu quy định như này thì không còn phần không gian nào để khai thác. Do vậy đề nghị, phải điều chỉnh lại chỉ có xây dựng quản lý ở trên phần hành lang dòng chảy và mùa lũ, chứ không phải toàn bộ hành lang thoát lũ giống như Luật Đê điều quy định chung cho mọi địa phương” – ông đề xuất.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Thủ đô (sửa đổi) cho hay có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống; làm rõ định hướng quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống, việc quy hoạch phân khu và quản lý, sử dụng phần bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê; tập trung nguồn lực phát triển bền vững các trục cảnh quan, ưu tiên trục cảnh quan sông Hồng.
Tiếp thu ý kiến nêu trên, dự thảo Luật (khoản 2, điều 17) đã bổ sung quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm an toàn đê điều và phòng, chống lũ.
Đồng thời, tại khoản 6 Điều 18 đã bổ sung nội dung giao UBND TP thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều.
“Theo đó, đất tại bãi sông, bãi nổi có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa lý, không gian văn hóa ở các khu vực này”- báo cáo nêu.