Hà Nội phản hồi lập tức về đường 'cong bất thường'

Vietnam+ cho biết tại buổi họp báo ngày 11/11 do Ban Tuyên giáo Hà Nội tổ chức, đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, Ủy ban Nhân dân quận Long Biên đều khẳng định, tuyến nối từ đường Nguyễn Văn Cừ tới đê tả ngạn sông Hồng tuân thủ đúng quy hoạch, không có chuyện đường bị "bẻ" cong như một số hộ dân và một số cơ quan báo chí phản ánh. 


Vietnam+ dẫn lời ông Đỗ Mạnh Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Long Biên, cho hay ngày 20/6/2014, thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 3279, thu hồi 21.912m2, bàn giao 62.925m2 để xây dựng đường nối từ Nguyễn Văn Cừ với đê tả sông Hồng. 

Có 461 hộ dân liên quan đến dự án, trong đó có 326 hộ đã nhận tiền, nhận tái định cư và bàn giao mặt bằng cho dự án, còn lại một số hộ chưa phê duyệt, chờ phương án đặc thù. 

Ông Đỗ Mạnh Hải nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm của quận và thành phố, nên việc lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường hoàn toàn tuân thủ các quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Chỉ giới đường đỏ được phê duyệt là hoàn toàn phù hợp với các đồ án quy hoạch, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy chuẩn thiết kế hiện hành, phù hợp với hiện trạng quản lý sử dụng đất, được các cơ quan chuyên ngành thẩm định. 

Đặc biệt, quy hoạch tuyến đường trên phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. 

Trước câu hỏi của phóng viên về việc có hay không việc "nắn" quy hoạch, làm tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, Vietnam+ cho biết ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, khẳng định mỗi dự án quy hoạch đều được nghiên cứu công phu, tỉ mỉ, khoa học. Theo đó, đặt lợi ích của cộng đồng, của dân cư lên hàng đầu, trên cơ sở tuân thủ các quy định về kỹ thuật, kinh tế, an ninh quốc phòng.

Cụ thể, tại dự án đoạn Nguyễn Văn Cừ đến đê tả ngạn sông Hồng, qua khu vực có kiến nghị của các hộ dân tổ 14 và 15 phường Bồ Đề cũng được thực hiện theo tinh thần trên, đảm bảo công khai đúng quy trình của pháp luật, không bị nắn, chỉnh trong quá trình thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án. 

Ông Đỗ Mạnh Hải nhấn mạnh dự án sẽ tiếp tục được triển khai, dự kiến khởi công vào tháng 12/2014 và hoàn thành vào cuối năm 2015, phục vụ nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế, xã hội của quận Long Biên nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.

Cụ thể hơn, VOV thông tin rằng đối với đoạn tuyến 200m ý kiến người dân cho rằng bị “nắn cong”, ông Đỗ Mạnh Hải khẳng định đoạn tuyến người dân nói bị nắn cong là đang thẳng. Còn trên tuyến đường để bảo đảm yếu tố kỹ thuật và yếu tố quốc phòng bị những khống chế của mặt kỹ thuật.

Theo VOV, giải thích về hướng tuyến của dự án, ông Đỗ Mạnh Hải cho biết khi thực hiện UBND quận Long Biên bám sát vào các quy hoạch đã được duyệt. Với 1 đoạn tuyến của dự án có 1 số điểm bị khống chế. Đây là tuyến đường liên khu vực có chiều dài 18,1km chạy xung quanh quận Long Biên. Đoạn tuyến này bị không chế bởi 1 số điểm kỹ thuật. 

Điểm kỹ thuật đầu tiên là điểm dừng của đoạn đã thi công hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng là đầu đường bay của sân bay. Khi thực hiện chỉ giới đường đỏ của khu vực này Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Cục Hàng không, bộ phận quản lý bay kiểm tra chi tiết để xác định toàn bộ phần uốn cong ôm lấy khu làng xóm sát với khu đầu đường bay sân bay. Đây là yếu tố kỹ thuật khống chế thứ nhất đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng không thể đi khác được. 

Yếu tố khống chế thứ 2 là điểm giao cắt với đường Nguyễn Văn Cừ là điểm ngã tư của tuyến sẽ kéo tiếp sang phường Ngọc Thụy để nối với địa bàn bên kia đường Nguyễn Văn Cừ.

Yếu tố khống chế thứ 3 là điểm này có 1 trận địa pháo. 

3 điểm khống chế này từ Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tới Quy hoạch chi tiết quận Long Biên và Quy hoạch chung Thủ đô đều tuân thủ theo hướng tuyến này. Khi xây dựng chỉ giới đường đỏ, Sở Quy hoạch- Kiến trúc thẩm định phê duyệt cũng bám sát vào 3 yếu tố khống chế này. Với 3 điểm khống chế này hướng tuyến như trong đồ án là phù hợp, đảm bảo các yếu tố kinh tế xã hội, đặc biệt là an ninh, quốc phòng.

“Chúng tôi khẳng định đường hướng tuyến thẳng và không bị nắn chỉnh sai trong quá trình quy hoạch và thực hiện dự án”, ông Hải nói.

Về kinh phí GPMB theo dự án được duyệt khoảng 460 tỷ đồng, hiện nay đã phê duyệt cho 392 hộ dân với kinh phí là 222 tỷ đồng. “Chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư đoạn 200 m này là hơn 53 tỷ đồng chứ không phải 250 tỷ  đồng như thông tin nêu”, ông Hải khẳng định trên VOV. 

Hà Nội phản hồi lập tức về đường 'cong bất thường' ảnh 1

Cũng theo VOV, trả lời câu hỏi của báo chí về yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc rà soát xem xét lại theo kiến nghị của nhân dân, ông Trịnh Thế Hùng, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho rằng kiến nghị của nhân dân có thể là đúng và có thể là chưa đúng. "Việc này cơ quan chuyên môn chúng tôi sẽ phải xem xét thận trọng. Phải hiểu rằng đây là con đường phục vụ cho nhân dân, cho kinh tế xã hội của quận, của Thủ đô nên quá trình tổ chức thực hiện lập quy hoạch này rất công phu, nghiên cứu đa chiều tất cả các mối quan hệ. Đại bộ phận nhân dân ở đây đều đồng tình và đang có tiến độ triển khai rất tốt. Điều chúng ta hy vọng rằng sau 1 năm quận Long Biên, Hà Nội có 1 con đường để nhân dân đi lại và bộ mặt Thủ đô ngày càng đẹp hơn. Đó là ý chí của chúng ta được thể hiện qua các lần quy hoạch. Việc nhân dân có ý kiến, chúng tôi rất tôn trọng những người dân có ý kiến thì cũng đã được gặp và giải thích nhiều lần. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét ý kiến của nhân dân theo chỉ đạo của thành phố, trên nội dung đồ án quy hoạch trong thời gian ngắn để bảo đảm lợi ích của thành phố, nhân dân và cộng đồng một cách tốt nhất"- vị này nhấn mạnh.

Như PLO đưa tin, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ủy ban nhân thành phố Hà Nội kiểm tra, làm rõ phản ánh về dấu hiệu bất thường trong quy hoạch thiết kế đường nối đê tả ngạn sông Hồng với đường Nguyễn Văn Cừ đoạn qua thôn Lâm Du, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Kết quả kiểm tra phải được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/12/2014.

Theo phản ánh của dư luận, do quy hoạch vô lý, thiết kế đường thay vì chạy thẳng qua khu đất nông nghiệp thì lại vẽ cong, lượn qua khu dân cư một đoạn dài khoảng 200m, khiến hàng trăm nhà dân phải giải tỏa, di dời; số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đội thêm hàng trăm tỉ đồng, gây lãng phí nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm