Tới dự Hội nghị tại Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các lãnh đạo Sở, ban ngành. Đây là hội nghị trực tuyến do Bộ GD&ĐT chủ trì cùng 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT 2015-2016 toàn ngành giáo dục tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2011-2015.
Khung cảnh hội nghị tại Hà Nội
Tại đầu cầu Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu ra một số mặt còn tồn tại. Hiện nay TP Hà Nội có hơn 2.600 trường học với hơn 9.000 phòng, khoảng 1,7 triệu học sinh. Tuy nhiên, sự phân bổ không đồng đều. Trong khi phòng học tại khu vực nội thành đang quá tải thì ngoại thành chưa đến 20 học sinh/phòng. TP vẫn còn tình trạng học trái tuyến, học thêm và dạy thêm.
Ông Chung đưa ra những đề xuất cụ thể như quy hoạch lại toàn bộ hệ thống phân bố các trường; đưa công nghệ thông tin vào trường học nhưng phải đẩy mạnh công nghệ thông tin trong dạy học từ cấp tiểu học; đẩy mạnh việc học tiếng Anh; cần có chương trình định hướng nghề nghiệp khi học sinh ở lớp 9 và khi lên lớp 10 đã có định hướng rõ ràng.
Ngoài ra, cần có cơ chế tự chủ cho các trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế đặc biệt trong thời gian tới, có tiêu chuẩn chung để hòa nhập cùng các trường, bằng tốt nghiệp có thể sử dụng ở các tất cả các nước; tiếp tục đào tạo nhân lực chất lượng cao với các ngành mũi nhọn.
Trong thời gian tới Hà Nội sẽ đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ cần nghiên cứu để đưa ra định hướng tuyển sinh những ngành này.