Tại đây, chất vấn lãnh đạo Sở GD&ĐT TP, đại biểu Tô Thị Bích Châu, nêu vấn đề trong báo cáo của Sở GD&ĐT TP chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017, Sở sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác giảng dạy và học tập, đặc biệt là môn âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất. Đây là ba môn mà nhiều năm qua, giáo viên rất thiếu, nhất là ở tiểu học. Như vậy, năm học mới đã cận kề, Sở chuẩn bị gì trong việc tuyển giáo viên cho những môn này, nhất là ở ngoại thành và giáo dục tiểu học? Bà Châu cũng ý kiến thêm, việc thiếu giáo viên hướng nghiệp ở bậc trung học cũng đang diễn ra. Sở sẽ có biện pháp gì khắc phục trong năm học 2016-2017 để không còn tình trạng cả trường chỉ học một môn hướng nghiệp là nhiếp ảnh hoặc cả một lớp 45 HS chỉ có một máy nhiếp ảnh?
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn cho biết việc thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, giáo viên tiểu học... là thực tế khó khăn chung từ khâu đào tạo ra đội ngũ để giảng dạy. Ở tiểu học, chủ yếu chỉ có giáo viên phụ trách chính hai môn là tiếng Việt và Toán, còn lại các môn năng khiếu như mỹ thuật, âm nhạc, tiếng anh, thể dục... là bài toán khó lâu nay của TP. Theo ông Sơn, nguồn đào tạo đội ngũ này ở các trường sư phạm khá hạn chế. Mặc dù những năm trước TP đã cho phép tuyển giáo viên diện KT3 nhưng năm nào cũng không tuyển đủ.
“Dù vào năm học, giáo viên vẫn đủ nhưng phải chấp nhận thực tế rằng một giáo viên dạy nhiều trường, giáo viên hợp đồng... để đảm bảo đủ tiết dạy cho các em. Ngay như để chuẩn bị cho năm học tới 2016-2017, TP cần 1.427 giáo viên tiểu học nhưng các quận, huyện hiện nay mới chỉ tuyển được 2/3 số này, còn lại phải tiếp tục tuyển trong năm học” – ông Sơn nói.
Một tiết học ngoại ngữ của cô trò trường tiểu học Lương Định Của, quận 3
Về việc thiếu giáo viên hướng nghiệp và chỉ học một môn nhiếp ảnh, ông Sơn cho rằng đây chỉ là thiểu số, xảy ra cục bộ tại một, hai nơi nào đó chứ không phải thực tế chung của TP. Nếu có, Sở sẽ khắc phục ngay trong thời gian tới. Theo ông Sơn, việc dạy nghề hướng nghiệp cho HS trong trường đã được TP thực hiện từ rất lâu, với đa dạng các môn gần gũi như nữ công gia chánh, nấu ăn, trồng trọt, nhiếp ảnh, tin học... nhằm đáp ứng việc phát triển kỹ năng cho HS. Việc giảng dạy cũng đã có nhiều đổi mới và tạo được sự hứng thú học tập cho các em chứ không phải chỉ là hình thức.
Được biết, theo báo cáo của Sở trước đó, năm học 2016-2017, TP.HCM có nhu cầu tuyển dụng gần 5.000 giáo viên. Trong đó, hơn 1.500 giáo viên mầm non, hơn 1.400 giáo viên tiểu học, THCS cần gần 1.300 giáo viên, khối THPT và GDTX cần hơn 400 giáo viên, Trung cấp chuyên nghiệp cần 93 giáo viên. Tuy nhiên, đến nay, Sở chỉ mới hoàn thành tuyển dụng và phân nhiệm sở cho giáo viên khối THPT và GDTX, còn lại bàn giao các quận, huyện xây dựng kế hoạch và tiến hành tuyển dụng theo nhu cầu từng địa bàn.