Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nhà hát Thăng Long sẽ nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Tây Hồ Tây, với quy mô khoảng 22 ha, bao gồm một khối biểu diễn hoà nhạc cổ điển 1.200-1.500 chỗ, một khối biểu diễn đa chức năng 1.800 chỗ. Ngoài ra có không gian tổ chức biểu diễn ngoài trời và nhiều phòng chức năng.
|
Tòa nhà có mái che từ ý tưởng mai rùa. |
Phương án thứ nhất được lựa chọn thể hiện ý tưởng nhà hát nằm trên đầm sen với hai khối công trình tách biệt như 2 chiếc trống đồng, được che bởi mái chung theo hình ảnh mai rùa, cấu trúc mái biểu trưng cho vẩy con rồng. Trong tòa nhà có 2 khối biểu diễn lớn, sức chứa 1.500 và 1.800 chỗ và nhiều phòng nhỏ có các chức năng khác nhau như triển lãm, biểu diễn thời trang, studio...
Phương án thứ hai lấy nguồn cảm hứng từ cánh buồm đỏ trên vịnh Hạ Long, toàn bộ được xây dựng trên mặt nước, tạo sự gần gũi với thiên nhiên. Quần thể công trình tổ chức thành 3 khu, gồm nhà hát, sân khấu ngoài trời, nhà để xe đều nổi giữa không gian mặt nước và cây xanh. Một trục giao thông lệch xuyên suốt 3 không gian.
|
Thiết kế nhà hát bằng kính trên mặt nước. |
Công trình chính tổ chức hợp khối, phòng hoà nhạc cổ điển bố trí trên phòng biểu diễn đa chức năng. Cấu trúc công trình chủ yếu sử dụng vật liệu thép, kính. Hệ thống mái sử dụng công nghệ tích tụ năng lượng, hệ thống bao che sử dụng các ống nước thuỷ tinh làm giảm bức xạ nhiệt vào mùa hè.
Phương án kiến trúc của nhà hát Thăng Long sẽ được UBND thành phố Hà Nội lựa chọn để trưng bày, lễ động thổ sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Hiện nay, hầu hết chương trình biểu diễn nghệ thuật, hòa nhạc thường tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, tọa lạc gần hồ Hoàn Kiếm. Sức chứa của nhà hát lớn là 900 chỗ, xếp thành 3 tầng được thiết kế theo phong cách Pháp thế kỷ XIX. Đầu năm, Hà Nội đưa vào hoạt động Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ thuộc Nhà hát ca, múa, nhạc VN tại đường Huỳnh Thúc Kháng với sức chứa 730 chỗ. |
Theo Đoàn Loan (VNE)