Hạ viện Mỹ nhận dự luật bỏ hạn chế trong quan hệ với Đài Loan

Tờ Taipei Times ngày 27-7 đưa tin Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Tiffany cho biết ông đã trình một dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ dỡ bỏ các hạn chế trong quan hệ giữa Washington và Đài Bắc.

Những hạn chế hiện hữu

Động thái trên diễn ra sau khi 27 thành viên của Hạ viện Mỹ kêu gọi Ngoại trưởng Mike Pompeo đánh giá lại các tiêu chí liên quan đến mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan, cũng như xem xét lại “các hạn chế không cần thiết”.

Dự luật đề xuất rằng quan hệ Mỹ-Đài Loan không bị ràng buộc bởi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng của Mỹ (NDAA). Dự kiến một ủy ban của Hạ viện sẽ xem đề xuất của ông Tiffany trong tuần này.

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Tiffany. Ảnh: WXPR

Một bộ hướng dẫn về mối quan hệ giữa Mỹ với Đài Loan được ban hành dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama quy định các đại diện của Đài Loan tại Mỹ bị cấm vào trụ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington và các quan chức của bộ bị cấm vào văn phòng đại diện Đài Loan tại Mỹ.

Các hướng dẫn cũng cấm việc treo cờ Đài Loan tại Song Tượng Viên ở Washington (nơi lưu ngụ của các đại sứ Đài Loan trước khi Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này vào năm 1979) và cấm các quan chức Mỹ trưng bày cờ Đài Loan.

Cờ, hoặc bất kỳ đại diện biểu tượng nào của Đài Loan, cũng không được phép hiển thị trên bất kỳ website nào liên quan đến Bộ Ngoại giao hoặc Bộ Quốc phòng Mỹ.

Kể từ khi các hướng dẫn được đưa ra, một số nhà lập pháp Mỹ đã cố gắng dỡ bỏ các hạn chế trong nhiều trường hợp. Hồi tháng 2, Thượng nghị sĩ Ted Cruz đã đề xuất Đạo luật các biểu tượng chủ quyền Đài Loan, còn Hạ nghị sĩ Tiffany đề xuất loại bỏ các ràng buộc liên quan đến ngân sách, theo Taipei Times.

Xu hướng “nồng ấm” với Đài Loan

Mỹ đang có xu hướng nới lỏng các hạn chế trong mối quan hệ với Đài Loan, được minh chứng bằng việc Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi lời chào nồng ấm tới đại diện Đài Loan tại Mỹ Cao Thạc Thái trên Twitter vào ngày 9-7.

Văn phòng đại diện kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Mỹ sau đó đã đăng lên tài khoản Twitter của mình một bức ảnh về cuộc họp giữa ông Cao với Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell trong tòa nhà của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Đài Loan cũng tham gia hội thảo từ xa với 18 quốc gia và vùng lãnh thổ với lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ hồi cuối tháng 4. Cờ của đảo Đài Loan được trưng bày cùng với cờ của các quốc gia khác trong hội nghị.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan dẫn đầu các tàu chiến Mỹ trong cuộc tập trận RIMPAC. Ảnh: AP

Trung tâm truyền thông châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa tin về hội nghị từ xa vào tháng 6 và đăng ảnh cho thấy cờ Đài Loan và Mỹ cạnh nhau trong một bài tweet liên quan đến bản tin này.

Hôm 23-7, Thượng viện Mỹ đã thông qua phiên bản của mình về Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho tài khóa 2021, bao gồm các điều khoản ủng hộ việc củng cố lực lượng phòng vệ Đài Loan, theo hãng thông tấn CNA.

Các điều khoản bao gồm Đài Loan được đề cập trong các phần 1258 và 1259 của NDAA, trong đó nhắc lại rằng Đạo luật Quan hệ Đài Loan (TRA) và văn bản "Sáu bảo đảm" do Mỹ cung cấp cho Đài Loan vào tháng 7-1982 là "nền tảng cho quan hệ Mỹ-Đài Loan".

Văn bản “Sáu bảo đảm” được trao cho Đài Loan năm 1982 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan bao gồm các cam kết không ấn định ngày kết thúc bán vũ khí cho Đài Loan, không tổ chức các cuộc tham vấn trước với Trung Quốc về việc bán vũ khí cho Đài Loan và không đóng vai trò hòa giải giữa Đài Loan và Trung Quốc.

NDAA cho tài khóa 2021 cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ của Mỹ cho sự phát triển của lực lượng Đài Loan, bao gồm thông qua bán vũ khí, trao đổi giữa các quan chức quân sự hàng đầu và các cuộc tập trận.

Đạo luật nêu rõ các cuộc tập trận này có thể bao gồm cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) - cuộc diễn tập hải chiến lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn đầu và được tổ chức 2 năm một lần - nếu phù hợp.

Hôm 21-7, Hạ viện Mỹ đã thông qua phiên bản NDAA của riêng họ. Hai viện sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán để loại bỏ những khác biệt trong các dự luật của mình trước khi một phiên bản hoàn thiện có thể được Tổng thống Mỹ ký thành luật.

Trong một diễn biến liên quan, tờ Taiwan News hôm 26-7 đưa tin bà Tiêu Mỹ Cầm, đại diện mới của Đài Loan tại Mỹ thay ông Cao Thạc Thái, hiện đã có mặt ở Washington.

Theo giới quan sát, những động thái của phía Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục gây căng thẳng thêm quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để “thống nhất”.

Mỹ có thêm động thái ủng hộ Đài Loan
(PLO)- Thượng viện Mỹ ngày 23-7 đã thông qua phiên bản của mình về Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho tài khóa 2021, bao gồm các điều khoản ủng hộ việc củng cố lực lượng phòng vệ Đài Loan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới