Ông Trịnh Quốc Lập, Chủ tịch HĐQT Công ty APT-Seraphin (đơn vị nhận xử lý rác thải sinh hoạt cho TP Hải Dương với công suất 150 tấn rác/ngày), cho biết: “Công ty ký hợp đồng với Công ty Môi trường Đô thị Hải Dương (gọi tắt là công ty môi trường) chỉ xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, ngày 21-10, một xe chở rác công nghiệp của công ty môi trường vào nhà máy, tôi đã yêu cầu giám đốc công ty môi trường đến giải quyết nhưng ông ta không xuống. Vì thế, từ ngày 22-10, tôi không cho các xe chở rác của công ty môi trường vào”.
Theo Công ty APT, ngày 1-1-2014 Công ty APT ký hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt với công ty môi trường với đơn giá xử lý là 244.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, phía Công ty APT phát hiện trong một thời gian dài công ty môi trường lại đi thu gom, ký hợp đồng dịch vụ với các công ty, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn và đưa về nhà máy đánh đồng là rác thải sinh hoạt (và trả tiền xử lý 244.000 đồng/tấn). Trong khi để xử lý rác thải công nghiệp, APT phải nhờ đơn vị thứ ba theo giá 2,3 triệu đồng/tấn. Công ty APT đã nhiều lần gửi công văn cho công ty môi trường, thậm chí báo cáo UBND tỉnh Hải Dương nhưng vẫn không được giải quyết triệt để.
Trong khi đó, ông Trần Trọng Khôi, Giám đốc công ty môi trường, khẳng định đơn vị không gom rác công nghiệp. “Trong hơn 800 ngày hai bên giao nhận rác nhưng phía APT không hề có ý kiến gì về rác công nghiệp cả. Hằng ngày họ tiếp nhận và cũng không lập biên bản rác công nghiệp lẫn rác sinh hoạt nên họ không thể truy thu tiền xử lý rác công nghiệp. Ngay cả cuối năm hai bên thanh lý hợp đồng cũng thống nhất không có nợ nần gì” - ông Khôi cho biết.
Chiều 23-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương nói thêm, tỉnh yêu cầu trước mắt các bên nhanh chóng giải quyết lượng rác thải tồn đọng. Sau đó tỉnh sẽ có hướng xử lý lâu dài.
HẢI ĐƯỜNG