Và đáng quý là tuy cả hai đều trình bày từ lý thuyết đến đặc trưng của công việc dịch thuật, nhưng một quyển thiên về trình bày dịch thuật theo các loại hình ứng dụng, và một quyển trình bày về bản chất của dịch thuật.
Hai tập sách về dịch thuật vừa ra mắt bạn đọc - Ảnh: L.Điền
1. Dịch thuật và tự do (tác giả: Hồ Đắc Túc, Đại học Hoa Sen và NXB Hồng Đức liên kết xuất bản) cung cấp một lượng kiến thức tổng quan về dịch thuật ứng dụng và các chuyên ngành có sử dụng thao tác dịch thuật.
Với dụng ý “nhằm giúp sinh viên có một tầm nhìn rộng hơn về dịch thuật, từ đó tự tìm tòi và xây dựng cho mình một phương pháp dịch thích hợp”, tác giả Hồ Đắc Túc trình bày chi tiết về mô hình dịch thuật toàn diện, dịch văn chương, dịch tin tức và báo chí, dịch âm thanh và hình ảnh cho phim, thuyết cảm ý trong dịch nói và dịch viết, phân biệt dịch chuyên ngành và không chuyên ngành, đạo đức dịch thuật...
Tác giả chia sẻ về công việc dịch thuật như thế này: “Cuộc sống càng chuyển hóa thì con người càng có nhiều chọn lựa, vì vậy quan niệm “dịch đúng” được soi rọi từ nhiều góc cạnh khác nhau... Chúng ta có quyền chọn lựa vì con người vốn tự do và có nhu cầu mở mang kiến thức, nhưng chọn lựa chỉ có thể thực hiện khi chúng ta có học thức và chọn lựa gắn liền với trách nhiệm”.
2. Dịch - sự bảo vệ và minh giải đa ngôn ngữ (Phạm Dõng và Đa Huyên dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của François Ost, Nhà xuất bản Lao Động) trình bày dịch thuật như “cầu nối văn hóa nhân loại”. Tác giả đã từ cảm hứng về truyền thuyết tháp Babel trong Kinh Thánh dẫn dắt người đọc vào trùng điệp các vấn đề của dịch thuật, với không ít vấn đề có tính vĩ mô. Tuy nhiên, phần cốt lõi của sách xoay quanh nội dung “bảo vệ và minh giải chủ trương đa ngôn ngữ và hành vi phiên dịch”. Quan niệm này cần thiết không chỉ cho giới nghiên cứu dịch thuật, mà cả với những dịch giả chuyên nghiệp trong hành trình sáng tạo nên ý nghĩa của lĩnh vực này.
Theo Lam Điền (Tuổi Trẻ)