Sau hàng loạt vụ bạo lực học đường vừa qua, đặc biệt là tình trạng một học sinh bị đánh hội đồng càng lúc càng phát tán rộng rãi, cho thấy mức độ bạo lực vẫn đang ngày càng gia tăng.
ThS Nguyễn Thành Nhân (cố vấn cao cấp về kỹ năng thực hành xã hội của Trung tâm đào tạo Tài năng trẻ Thái Bình Dương) cho rằng điều này cho thấy bản thân các em học sinh còn quá thụ động, chưa có kỹ năng xử lý trước những đối tượng “đại ca” chốn học đường.
Những hiện tượng này đang rất phổ biến, lớp lớn ăn hiếp lớp nhỏ, 2-3 đứa bắt nạt một đứa. Các em có thể bị ảnh hưởng từ chính trong gia đình hoặc các mối quan hệ xung quanh. Những em hay đi chèn ép rất thích việc đó vì muốn thể hiện, tự cho mình là sức mạnh và càng rất dễ bị cám dỗ với những đối tượng thiếu thượng tôn pháp luật. Hiện tượng này thường xảy ra trong cùng một trường học, những em hay đi chèn ép thường học rất yếu, luôn muốn thể hiện là “đại ca” trong lớp học, nếu không can thiệp kịp thời các em sẽ hình thành những con người nguy hiểm khi bước ra xã hội.
Bạo lực học đường không chỉ có bạo lực thân thể mà còn bạo lực ngôn từ, cái này còn ghê gớm và để lại hậu quả nguy hiểm hơn. Vì dụ như bạn bè dọa tung ảnh xấu nào đó của trẻ lên Facebook hoặc là hù gặp nhau ở toilet thì sẽ biết tay…. Như thế đứa trẻ sẽ luôn sống trong lo sợ, trẻ rất dễ bị suy sụp, dẫn đến phản kháng.
“Nếu không giải quyết được vấn nạn, từ bạo lực bằng hành động sẽ kéo theo bạo lực về tinh thần, nhiều đứa trẻ có thể bị trầm cảm, không dám đi học. Rồi dễ khiến trẻ đi học đối phó, luôn trong trạng thái đề phòng như phải cầm dao theo trong cặp sách và như thế khi gặp vấn đề rất dễ dẫn đến giết người. Khi trẻ không tìm được cách thoát ra khỏi vấn đề gì đó thì nó sẽ tự tìm đến cách giải quyết tiêu cực nhất” - ông Nhân cảnh báo.
Theo ThS Nhân, hiện có hai đối tượng trẻ đáng lo ngại, rất dễ rơi vào tình trạng bị "đánh hội đồng": một là việc gì cũng nhờ đến cha mẹ, hai là cái gì trẻ cũng tự giải quyết, tất cả đều không tốt.
Bản thân cha mẹ phải để ý những thay đổi của con, biểu hiện, cảm xúc của con khi ở nhà và ở trường, biết được mối quan hệ bạn bè của con, thái độ của con khi gặp bạn bè hoặc qua những người trung gian trong lớp… Tuy nhiên, cha mẹ phải cố gắng không can thiệp quá mức những vấn đề học tập và sinh hoạt của con. Cha mẹ nên biết cái nào thuộc phạm vi của con, đâu là giúp đỡ và đâu là dạy bảo.
“Cha mẹ không ứng xử thái quá trước mặt con như chửi bới hoặc ra tay đánh người bạn bắt nạt con mình, vì như vậy con sẽ càng sợ hãi hơn. Cha mẹ nên khéo léo nói chuyện, hướng dẫn con cách giải quyết như “con báo với giáo viên hoặc thẳng thắn nói với bạn, mẹ sẽ ở sau ủng hộ con”… như thế sẽ động viên con và con cảm thấy tin tưởng cha mẹ và bản thân hơn. Nếu cần thiết thì phải chuyển môi trường mới cho trẻ nhưng nếu vẫn tái diễn thì phải giải quyết ở chính đứa con của mình để tìm ra nguyên nhân và hướng rèn luyện cho trẻ” - ông Nhân chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Nhân cũng lưu ý lối thoát tốt nhất để tránh những trường hợp này là chính các em phải mạnh mẽ kể cho ai đó nghe. Để làm được điều đó, nền tảng tình cảm tốt trong gia đình là quan trọng nhất vì những đứa trẻ có vấn đề luôn xuất phát từ một gia đình có vấn đề. Vì vậy, cha mẹ phải biết cách quan tâm và dạy con để hình thành cho trẻ những lối sống tốt và giải quyết được vấn đề khi cần thiết. Đừng quá vùi đầu vào công việc mà phó mặc con em cho nhà trường hoặc người giúp việc. Một khi đã có tư tưởng giao phó thì đứa trẻ rất dễ có vấn đề, nhiều đứa trẻ có vấn đề học chung với nhau sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Còn với tình trạng trẻ bị chèn ép, hành hung, bị đánh hội đồng thì một là trẻ phải chống lại một cách mạnh mẽ, hai là bỏ chạy thật nhanh và kêu gọi người khác giúp đỡ như cha mẹ, thầy cô… Tuy nhiên, chọn giải pháp nào thì đứa trẻ phải tự xác định khả năng của mình, phải quan sát xem có chống lại được không. Như thế trẻ sẽ không bao giờ bị bắt nạt nữa. Nếu chịu đựng thì lần sau và mãi mãi trẻ tiếp tục bị như thế.