Thực tế vẫn còn những phong trào tạo nên gánh nặng cho phụ nữ như phong trào phụ nữ hai giỏi “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phụ nữ nuôi con khỏe, dạy con ngoan… Sao những việc đó không dành luôn cho nam giới khi mà phụ nữ ngày nay vẫn phải làm việc bên ngoài xã hội không khác gì nam giới?
Ông xã tôi cũng không ngoại lệ. Trong khi anh nhàn rỗi ăn sáng, cà phê, nhậu nhẹt với bạn bè thì tôi lúc nào cũng bận túi bụi đi chợ, quét dọn, nấu ăn, đưa đón con… Tôi làm gì có nhiều thời gian dành cho công việc nên sáu năm vẫn chỉ là một cô nhân viên bình thường. Thỉnh thoảng chồng tôi phụ lau nhà, giặt đồ, giữ con thì bị bạn bè chế nhạo, trêu chọc là việc đàn bà, làm mọi vợ, sợ vợ… Chồng tôi ấm ức và tệ hơn nữa là ngay cả mẹ chồng cũng khó chịu về việc này. Riêng tôi cũng thấy áy náy nên tự mình làm hết việc nhà. Đến khi tôi kiệt sức phải nằm bệnh viện, chồng tôi phải chu toàn mọi thứ thì anh ấy mới thấy hết những vất vả của vợ. Hai tuần đổi cho vợ, anh đủ thấm mệt để rồi sau đó anh tự giác làm việc nhà rất thoải mái.
Nhờ chồng phụ giúp việc nhà nên tôi có thời gian đầu tư cho công việc. Bốn năm sau tôi đã làm lãnh đạo một công ty kinh doanh ngành du lịch. Không chỉ làm việc nhà một mình, chồng tôi còn tập thằng bé con phụ giúp. Khi thấy ba làm việc thì con cũng hăng hái làm theo. Sự thấu hiểu, chia sẻ của người bạn đời là động lực rất lớn để tôi phát huy hết sức mạnh tiềm năng của mình. Rất mong các ngành tuyên truyền nhiều hơn để phái nam thấu hiểu và chia sẻ việc nhà với người phụ nữ trong gia đình.
TS NGUYỄN THỊ BÍCH ĐIỂM, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên: Hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất Khoảng cách giữa chủ trương, chính sách nhà nước về bình đẳng giới và thực tế cuộc sống cũng đang là rào cản để thực hiện bình đẳng giới. Mọi thứ thay đổi khi chúng ta thay đổi, hãy bắt đầu bằng những hành động tưởng như rất nhỏ hằng ngày. Ví dụ như muốn bé trai tôn trọng phụ nữ từ nhỏ thì trước hết người cha phải là tấm gương. Tiến bộ của mỗi cá nhân, mỗi gia đình sẽ kéo theo tiến bộ của mỗi quốc gia, mỗi xã hội. |