Đây là nhóm lao động Việt Nam trong số 55 người do Công ty Simco Sông Đà tuyển sang làm việc cho Công ty Đông Nhất Giang Tô tại tỉnh Khenchela, cách thủ đô Algiers hơn 460km về phía Đông. Nhóm này đã bị tách ra và được đưa xuống một công trường khác cũng của nhà thầu Trung Quốc này tại Ain Defla, cách thủ đô Algiers gần 200km về phía Nam, sau vụ hành hung hai công nhân vào ngày 16/9 vừa qua.
Anh Võ Quang Hùng (Nghĩa Đàn, Nghệ An) cho biết tình trạng chủ Trung Quốc bỏ đói lao động diễn ra liên tiếp. Kể từ khi chuyển xuống công trường này ngày 2/10, thì đây là lần thứ hai nhóm bị chủ cắt cơm.
Theo anh Nguyễn Truyền, kể từ lúc sang đến Algeria, gia đình các lao động mới nhận được khoảng hơn 100 USD tiền lương của tháng Bảy. Cho đến giờ này, tất cả họ đều không còn tiền, thậm chí là tiền để nạp thẻ điện thoại. Mọi sự liên lạc đều trông chờ vào gia đình từ Việt Nam gọi sang. Họ phải chi tiêu dè xẻn số tiền mà anh Đỗ Văn Hải, đại diện Công ty Simco Sông Đà ứng trước phòng khi bị cắt cơm.
Trong khi đó, anh Cao Văn Nhân (Lý Nhân, Hà Nam) bày tỏ hoang mang, lo sợ cho tính mạng. Anh khẳng định toàn bộ 16 lao động ở đây đều có nguyện vọng duy nhất là được về nhà càng sớm càng tốt mặc dù để đi xuất khẩu lao động ở Algeria, mỗi người phải nộp cho công ty Simco Sông Đà hơn 48 triệu đồng và số tiền này tất cả đều phải đi vay mượn từ anh em họ hàng, ngân hàng, thậm chí có người còn phải thế chấp cả sổ đỏ.
Các lao động còn đưa gửi lá đơn xin về nước cho đại diện của Simco Sông Đà trong đó có chữ ký của tất cả 16 người.
Trong khi đó, nhóm 37 lao động ở công trường Khenchela cho biết cũng đang sống trong cảnh sinh hoạt thiếu thốn và đã đề đạt nguyện vọng tương tự, song cho đến nay vẫn chưa nhận được thông tin nào.
Anh Nguyễn Văn Nguyên cho hay số tiền 500 USD được đại diện Công ty Simco Sông Đà ứng trước từ ngày 10/10 để mua thực phẩm đã tiêu hết.
Ngày 5/10 vừa qua, các công nhân Việt Nam tại Algeria đã kêu cứu vì bị chủ sử dụng lao động là Công ty Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) đánh đập. Đây là 55 công nhân Việt Nam do Công ty Simco Sông Đà cử tuyển sang quốc gia Bắc Phi này làm việc cho nhà thầu Trung Quốc nêu trên tại một công trường xây dựng thuộc tỉnh Khenchela.
Theo các công nhân Việt Nam, hợp đồng lao động mà họ đã ký là làm theo công nhật được trả lương tháng nhưng khi sang đến bên này thì lại bị phía chủ Trung Quốc ép chuyển sang làm khoán. Các công nhân Việt Nam đã không đồng ý, phản đối và điều này đã dẫn đến việc họ bị phía nhà thầu Trung Quốc hành hung vào tối 16/9, khiến hai công nhân là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường bị thương./.
Theo Vietnam+