Tờ Globe and Mail ngày 14-1 cho biết tướng Johnathan Vance, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Canada, đã khẳng định hải quân Canada đủ năng lực hỗ trợ thực thi các lệnh trừng phạt Triều Tiên nếu như Liên Hiệp Quốc (LHQ) mở lời đề nghị.
Ngày 16-1 này, Canada và Mỹ sẽ đồng chủ trì Hội nghị ngoại trưởng về an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, tổ chức tại TP Vancouver, Canada. Sẽ có 11 ngoại trưởng cùng nhiều nhà ngoại giao đến từ 20 quốc gia, từng liên quan đến chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, tham gia cuộc họp này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Chrystia Freeland phía Canada muốn tận dụng sự kiện này để thảo luận về các biện pháp ngăn chặn Triều Tiên lách lệnh trừng phạt của LHQ.
Tướng Johnathan Vance, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Canada. Ảnh: GLOBE AND MAIL
Theo tờ Globe and Mail, một trong các biện pháp có thể gồm thắt chặt kiểm soát hàng hải, ngăn tàu bè tuồn cho Triều Tiên các loại hàng hóa thuộc diện cấm bởi nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA). Các lệnh trừng phạt mới của LHQ cho phép những nước thành viên được kiểm tra, tịch thu và bắt giữ những tàu nào đi qua vùng lãnh hải mà vận chuyển hàng hóa bị cấm đến Triều Tiên.
Tướng Vance khẳng định các lực lượng vũ trang Canada có đủ “năng lực quân sự” để tham gia vào mọi nỗ lực quốc tế nhằm thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ. “Đây là các quyến định thuần về chính trị và Canada vẫn chưa khởi động bất kỳ cuộc đối thoại nào liên quan đến vấn đề này. Thực tế là hiện nay vẫn chưa có ai đề nghị Canada hỗ trợ” - tướng Vance cho biết.
Được biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Canada Harjit Sajjan sẽ có cuộc gặp vào tối nay (15-1). Theo tờ Globe and Mail, cuộc gặp cho thấy cả hai nước có thể bàn luận thêm về các lựa chọn quân sự. Tuy nhiên, mục tiêu chính của Hội nghị ngoại trưởng Vancouver lần này vẫn là tránh một cuộc đối đầu quân sự trên bán đảo Triều Tiên, nỗ lực thuyết phục giới lãnh đạo Bình Nhưỡng đàm phán thực chất.
Kiềm chế phe “diều hâu”
Tờ Globe and Mail nhận định hội nghị Vancouver lần này được tổ chức để gửi đi thông điệp rằng các lệnh trừng phạt Triều Tiên phải được thực thi nghiêm túc, xem đây là phương tiện để thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng sự kiện tại Vancouver sẽ giúp ông Tillerson và Mattis thêm “đòn bẩy” để thúc đẩy các biện pháp ngoại giao, kiềm chế “phe diều hâu” nội bộ Nhà Trắng ưu tiên dùng giải pháp quân sự.
Sẽ có khả năng hải quân Canada hỗ trợ ngăn chặn Triều Tiên lách lệnh trừng phạt của LHQ? Ảnh: GLOBE AND MAIL
Cựu quan chức ngoại giao Canada James Trottier, từng dẫn đầu các phái đoàn ngoại giao Canada đến Triều Tiên năm 2015 và 2016, nhận định: “Hội nghị này như một cách tiếp sức cho các thành viên chính phủ Mỹ và những bên khác, chẳng hạn như Hàn Quốc, muốn ưu tiên ngoại giao hơn là quân sự”. Theo ông Trottier, mục tiêu này sẽ không thành công trừ phi các ngoại trưởng thảo luận thêm cách tiếp cận mới trong vấn đề Triều Tiên.
Ông cho rằng Mỹ cần thay đổi lập trường chỉ đối thoại khi Triều Tiên chấp nhận từ bỏ hạt nhân. “Sau hội nghị Vancouver, sẽ đến lúc cộng đồng quốc tế đối diện với sự thật rằng Triều Tiên về thực chất đã là một quốc gia hạt nhân. Cần xem xét các yếu tố giảm căng thẳng và kiềm chế. Sẽ cần các đối thoại không điều kiện với Triều Tiên” - ông Trottier nhận định.
Ông Simon Palamar, Trung tâm Sáng kiến quản trị quốc tế (CIGI) tại Canada, cũng cho rằng không đời nào một quốc gia đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân lại chấp nhận đàm phán từ bỏ hạt nhân. Theo ông Palamar, Mỹ cần phối hợp với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản để thúc đẩy Triều Tiên ngưng thử nghiệm tên lửa đạn đạo và đặt ra hạn mức về số lượng vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc đã từ chối lời mời tham dự hội nghị Vancouver lần này. Bắc Kinh và Moscow cũng đồng loạt chỉ trích hội nghị này quá thiển cận khi chỉ tập trung vào các lệnh trừng phạt và cô lập Triều Tiên, thay vì thúc đẩy đối thoại để giải quyết căng thẳng. |