Hạn hán chưa từng có 'tấn công' một loạt nền kinh tế lớn

(PLO) Hạn hán nghiêm trọng trên khắp Bắc bán cầu, trải dài từ Trung Quốc, EU sang Mỹ đang tiếp tục làm rối loạn chuỗi cung ứng và đẩy giá lương thực, năng lượng lên cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, các khu vực của nước này đang trải qua đợt nắng nóng dài nhất kể từ năm 1961, khiến hoạt động sản xuất trì trệ do thiếu điện. Tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) cho biết, giới chức ở miền Trung và Tây Nam nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán ở 6 khu vực, vốn cung cấp 25% sản lượng ngũ cốc của nước này hồi năm ngoái.

Hạn hán tấn công từ Trung Quốc...

Tại một trang trại cá vược ở thành phố Nam Hải, nhiệt độ mùa hè tăng quá cao đã làm cá vược ở đây chết hàng loạt nổi lềnh bềnh, khiến trang trại thua lỗ 15 triệu USD.

Hạn hán, nắng nóng khiến nguồn nước bị hao hụt, ảnh hưởng trực tiếp tới năng lượng điện. Tại Tứ Xuyên, hôm 21-8, chính quyền địa phương đã kích hoạt phản ứng tình trạng khẩn cấp ở mức cao nhất trong bối cảnh thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời gia hạn lệnh đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất nhiều nhà máy để ưu tiên nguồn điện phục vụ sinh hoạt trong 6 ngày.

Thiếu điện đã ảnh hưởng đến một số nhà sản xuất quy mô toàn cầu như Apple, Foxconn, Volkswagen, Toyota, cũng như các nhà sản xuất lithium, phân bón và thiết bị quang điện có cơ sở sản xuất ở Tứ Xuyên. Nhà sản xuất nhôm Henan Zhongfu, và nhà máy hoá chất nông nghiệp Guoguang thông báo rằng các hoạt động sản xuất tạm dừng hoàn toàn trong tuần này. Một nhà máy sản xuất hợp kim khác thì đã cắt giảm hơn 60% sản lượng. Tứ Xuyên là trung tâm sản xuất các sản phẩm bán dẫn và pin mặt trời của Trung Quốc.

Đáng lo ngại, không chỉ Tứ Xuyên mà nhiều tỉnh khác như Chiết Giang, Giang Tô, An Huy của Trung Quốc cũng đã phát đi thông báo cắt điện đối với các đơn vị sản xuất.

Theo Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, mực nước sông Dương Tử hôm 20-8 giảm đến mức làm lộ ra một cù lao gần thành phố Trùng Khánh, nơi được đặt 3 tượng phật có tuổi đời tới 600 tuổi. Ngoài ảnh hưởng đến việc canh tác của hơn 800.000 héc-ta đất nông nghiệp, tình trạng hạn hán đã làm suy giảm nguồn nước phục vụ thủy điện.

Hình ảnh bờ sông Dương Tử (Trùng Khánh - Trung Quốc) cạn nước. Ảnh: WSJ

Hình ảnh bờ sông Dương Tử (Trùng Khánh - Trung Quốc) cạn nước. Ảnh: WSJ

... tới EU, Mỹ

Ðối với một số nền kinh tế lớn nhất thế giới khác, tình trạng hạn hán đang ảnh hưởng đến nhiều ngành, gồm sản xuất điện, nông nghiệp, sản xuất và du lịch... Từ đó làm gia tăng căng thẳng hiện hành như chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi COVID-19 và tạo thêm áp lực lên giá năng lượng, lương thực vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine.

Theo Andrea Toreti, chuyên gia khoa học khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, hạn hán ảnh hưởng đến Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Pháp và Ý được coi là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm qua.

Một mùa hè với nhiệt độ cao kỉ lục, lượng mưa ít ỏi, đã khiến mực nước nhiều lòng sông hồ ở đây bị khô cạn - khiến tàu thuyền không di chuyển được, gây ra tình trạng ùn ứ hàng hoá. Ví dụ như tại Đức, tàu chở than đá và hóa chất không thể đi qua sông Rhine như bình thường.

Ông Christian Hellbach, Phát ngôn viên Cục hàng hải vùng sông Rhine, cho biết: "Ở khu vực Cologne, có chỗ mực nước sông chỉ còn sâu 2 mét. Vì thế, chúng tôi chỉ có thể chất lượng hàng sao cho thân tàu chìm xuống tối đa 2m dưới mặt nước, thay vì 4,5m như mọi khi". Mực nước sông Rhine xuống thấp từng khiến GDP Đức giảm 0,3% trong năm 2018.

Kinh tế toàn cầu vốn đang chịu sức ép. Châu Âu hiện có rủi ro suy thoái cao. Lạm phát và các đợt nâng lãi mạnh tay của FED cũng đang đe dọa tăng trưởng tại Mỹ. Trung Quốc thì đang vật lộn với hậu quả của chiến dịch phong tỏa chống COVID-19 và khủng hoảng bất động sản. Thời tiết khắc nghiệt có thể càng làm trầm trọng thêm "các điểm nghẽn vốn có" trong chuỗi cung ứng.

Bên kia bờ Đại Tây dương, miền Tây nước Mỹ đang hứng chịu trận hạn hán được cho là tồi tệ nhất trong 1.200 năm qua - theo một nghiên cứu của Ðại học California. Các nhà dự báo nông nghiệp lo ngại, nông dân Mỹ sẽ mất hơn 40% sản lượng bông vải. Giới chức quận Westlands Water, khu vực nông nghiệp quan trọng nhất của bang California, cho biết khoảng 1/3 trong số 240.000 héc-ta đất nông nghiệp ở đó bị bỏ hoang trong năm nay vì thiếu nước.

Khảo sát nông dân Mỹ cho thấy 75% nhận định khô hạn năm nay đang hủy hoại vụ mùa của họ, gây ra tổn thất lớn về thu nhập.

Giải pháp tình thế

WSJ cho biết, nắng nóng đã buộc Pháp phải cắt giảm sản lượng tại một số lò phản ứng hạt nhân vì nước sông làm nguội chúng quá ấm. Trong khi đó, Ðức, nước tiêu thụ lượng khí đốt của Nga nhiều nhất châu Âu, có kế hoạch đốt nhiều than đá hơn để sản xuất điện.

Ðặc biệt, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm 20-8 thông báo sẽ triển khai phương án tăng lượng mưa bằng cách bắn hóa chất vào các đám mây, đồng thời triển khai phun “hóa chất giữ nước” trên đồng lúa để ngăn nước bốc hơi và hạn chế thiệt hại do hạn hán kéo dài.

Các nhà khoa học khí hậu Mỹ và châu Âu cho biết các đợt khô hạn trong năm nay một phần là do La Niña, hiện tượng thời tiết do nhiệt độ lạnh bất thường ở khu vực Đông và Trung xích đạo của Thái Bình Dương khiến các khu vực của châu Âu, Mỹ và châu Á có ít mưa hơn. Theo Liên Hiệp Quốc, số lượng các đợt hạn hán trên toàn thế giới đã tăng 29% kể từ năm 2000 do suy thoái đất và biến đổi khí hậu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm