Hãng tin The Korea Herald dẫn lời một thành viên trong nhóm cố vấn chính sách của tổng thống Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc có thể đang cân nhắc việc tham gia nhóm Bộ Tứ mở rộng (QUAD Plus), do Mỹ dẫn đầu mà Seoul từng xa lánh, trong nỗ lực tác động đến chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên.
Ông Hwang Ji-hwan - thành viên trong ủy ban hoạch định chính sách của Tổng thống Moon Jae-in - cho biết chính quyền Seoul, cũng như chính phủ Mỹ, không nhằm mục đích dỡ bỏ đột ngột hoặc hoàn toàn các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, mà sẽ thực hiện từng bước thông qua một tiến trình trình ngoại giao và các cuộc đàm phán hướng tới việc phi hạt nhân hóa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP / YONHAP
Trao đổi trong một bài viết được đăng trên tờ The Hill cùng đồng tác giả là ông Ramon Pacheco Pardo, giám đốc chương trình Hàn Quốc tại ĐH tự do Brussel (Bỉ), ông Hwang cho biết: "Seoul đang cố gắng điều phối và tác động đến quá trình xem xét chính sách về Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden".
“Hàn Quốc nhận thức được rằng chính quyền ông Biden có một loạt các ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng với Washington hơn là với Triều Tiên" – ông Hwang lý giải.
Ông Hwang nhấn mạnh rằng: “Tổng thống Hàn Quốc tin rằng nhiệm vụ của ông ấy là đặt nền móng cho một quá trình hòa giải liên Triều bền vững".
Ông Hwang khẳng định chính phủ Hàn Quốc hoan nghênh việc chính quyền ông Biden tập trung vào ngoại giao và làm việc với các đồng minh, không chỉ riêng trong vấn đề Triều Tiên mà còn trong tất cả các vấn đề ngoại giao.
"Nhưng đối với Seoul, bằng chứng thực sự về sự cải thiện trong mối quan hệ Mỹ-Hàn sẽ nằm ở vấn đề Triều Tiên" – ông Hwang cho biết.
Theo The Korea Herald, hai tác giả lưu ý rằng chính quyền Seoul có thể mong muốn Mỹ sẽ nhanh chóng kết thúc quá trình rà soát chính sách liên tục về Triều Tiên và can dự hơn với Bình Nhưỡng.
"Vì vậy, Seoul muốn đảm bảo rằng quá trình xem xét chính sách của Mỹ không kéo dài nhiều tháng liên tục, hoặc tệ hơn, là sẽ kết thúc với quyết định theo đuổi 'sự kiên nhẫn chiến lược 2.0'" – hai tác giả cho biết, đề cập đến chính sách về Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Barack Omaba trước đây.
"Chính sách này cho phép Triều Tiên phát triển hơn nữa chương trình hạt nhân. Đây sẽ là một thảm họa đối với Seoul" – hai tác giả đề cập tới chính sách của chính quyền ông Obama.
Hai tác giả lập luận rằng Seoul đang "cân nhắc" việc tham gia diễn đàn QUAD Plus để thể hiện cam kết với liên minh Mỹ-Hàn và "gián tiếp tác động đến chính sách Triều Tiên của chính quyền ông Biden”.
Theo hai ông, Hàn Quốc vốn lưỡng lự trong việc tham gia nhóm Bộ tứ (QUAD) – gồm bốn nước Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, vốn được xem là nhằm chống lại Trung Quốc.
Hai ông cho biết: "Hàn Quốc không có động cơ để tham gia nhóm chống Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden muốn chuyển đổi nhóm này thành một nhóm các nước cùng chí hướng".
“Điều này càng phù hợp với quan điểm của chính phủ ông Moon, vốn có thể coi tư cách thành viên của QUAD Plus là một phương tiện để tăng cường hơn nữa liên kết với Mỹ và giành được sự ủng hộ cho một số mục tiêu chính sách đối ngoại của mình” – hai tác giả cho biết.
Theo hai ông, ngoại giao và đàm phán là cách thực tế duy nhất để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
"Điều này không nhất thiết có nghĩa là tránh xa việc ngăn chặn hoặc rút bỏ lệnh trừng phạt đột ngột, điều mà cả Washington và Seoul đều không ủng hộ. Nhưng nó đồng nghĩa với việc tham gia vào một tiến trình ngoại giao bền vững bao gồm các cuộc đàm phán và cách tiếp cận từng bước" – hai tác giả khẳng định.