Hàn Quốc: Phe đối lập trình kiến nghị luận tội tổng thống sau vụ thiết quân luật

(PLO)- Các đảng đối lập đã chính thức trình lên quốc hội Hàn Quốc kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol liên quan tuyên bố thiết quân luật hôm 3-12.

Các đảng đối lập tại Hàn Quốc đã chính thức trình lên quốc hội kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol liên quan việc ông ban bố tình trạng thiết quân luật, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.

Bản kiến nghị luận tội ông Yoon được 191 đại biểu đối lập thuộc 6 đảng, dẫn đầu là đảng Dân chủ vốn chiếm số ghế lớn nhất trong Quốc hội Hàn Quốc, thống nhất. Không có thành viên nào của đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền ủng hộ kiến nghị này.

Đại diện các đảng đối lập Hàn Quốc nộp kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol chiều 4-12. Ảnh: EFE

Các đảng đối lập có kế hoạch báo cáo về kiến nghị trong phiên họp toàn thể của quốc hội, dự kiến diễn ra ngày 5-12, và hy vọng cuộc bỏ phiếu luận tội sẽ diễn ra ngay trong ngày 6 hoặc 7-12.

Các đảng đối lập ở Hàn Quốc đã nêu ra vấn đề luận tội tổng thống không lâu sau khi đồng lòng bỏ phiếu yêu cầu ông Yoon rút lại lệnh thiết quân luật. Ông Lee Jae-myung, lãnh đạo đảng Dân chủ Hàn Quốc, đã chỉ trích tuyên bố thiết quân luật là hành vi vi hiến và bất hợp pháp.

Ông Hwang Un-ha, lãnh đạo đảng Tái thiết Hàn Quốc đối lập, thúc giục quốc hội bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội ông Yoon trong vòng 24 đến 72 giờ sau khi được đệ trình.

Theo luật pháp Hàn Quốc, quốc hội có thể thông qua kiến nghị luận tội trong trường hợp tổng thống “vi phạm hiến pháp hoặc các đạo luật khác trong khi thi hành công vụ” với 2/3 số phiếu tán thành.

Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền hiện chiếm 108 ghế trong Quốc hội Hàn Quốc. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn đảng này sẽ đồng lòng phản đối kiến nghị luận tội ông Yoon.

Lãnh đạo PPP, ông Han Don-hun đã yêu cầu Tổng thống Yoon giải thích về quyết định thiết quân luật. Đêm 3-12, 10 đại biểu thuộc PPP đã tham gia cùng các nhà lập pháp đối lập bỏ phiếu yêu cầu ông Yoon dỡ bỏ lệnh thiết quân luật.

Nếu được Quốc hội Hàn Quốc thông qua, kiến nghị sẽ được chuyển tới Toà án Hiến pháp để các thẩm phán xem xét trước khi ra phán quyết sau cùng.

Quyền lực của tổng thống sẽ bị đình chỉ trong thời gian toà án xem xét luận tội. Thủ tướng sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo lâm thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới