Khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng của tình hữu nghị liên Triều. (Ảnh: Reuters)
Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan xử lýtất cả cáccuộc đối thoạivà thiết lậpcác chính sáchliên quan đếnTriều Tiên, cho biết chính phủ coi lời đề nghị mới nhất của Triều Tiên là một dấu hiệu tích cực.
"Chúng tôi hy vọng các cuộc đối thoại (sắp tới) sẽ trở thành một cơ hội giúp tăng cường lòng tin," trích tuyên bố của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, đồng thời nói rằng chương trình, thời gian, địa điểm của các cuộc đối thoại sẽ được thông báo sau.
Phản ứng của Seoul, xuất hiện một giờ sau thông báo bất ngờ của Bình Nhưỡng, dự kiến sẽ cho phép hai bên ngồi xuống và thảo luận về tất cả các vấn đề còn tồn tại, vốn khiến mối quan hệ xuyên biên giới căng thẳng và châm ngòi cho tình trạng bất ổn trên bán đảo Triều Tiên trong năm nay.
Sáng nay, Triều Tiên đã đưa ra một tuyên bố đặc biệt của Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên (CPRK), kêu gọi các cuộc đàm phán chính thức nhằm thảo luận về các vấn đề như bình thường hóa Khu công nghiệp Kaesong và các chuyến du lịch tới Núi Kumgang.
"Chúng tôi đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán giữa chính phủ Triều Tiên và Hàn Quốc về việc bình thường hóa các hoạt động tại Kaesong và mở lại các chuyến du lịch tới Núi Kumgang vào lễ kỷ niệm Tuyên bố chung 15/6," Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) trích thông báo của CPRK.
Tất cả các hoạt động tại khu Công nghiệp chung Kaesong, nằm ở phía bắc khu Phi quân sự, đã bị đóng cửa tạm thời sau khi Triều Tiên rút toàn bộ 53.000 lao động đang làm thuê cho 123 công ty Hàn Quốc vào ngày 4/9. Hàn Quốc cũng đáp trả động thái này bằng cách đưa hết nhân công của mình về nước. Các chuyến du lịch tới Núi Kumgang đã bị dừng lại vào tháng 6 năm 2008 sau khi một du khách Hàn Quốc bị binh lính Triều Tiên bắn chết.
Bình Nhưỡng cũng cho biết nếu Seoul chấp nhận đề nghị đàm phán, họ sẽ khôi phục đường dây nóng liên Triều tại ngôi làng đình chiến ở biên giới Panmunjom. Quân đội Triều Tiên đã cắt phương tiện duy nhất để người dân hai nước liên lạc với nhau trong một phản ứng với các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng như những chỉ trích của Seoul về vụ thử hạt nhân lần thứ ba của Triều Tiên.
Triều Tiên cho rằng các cuộc đối thoại có thể chạm tới các vấn đề nhân đạo, như cho phép các gia đình bị chia cắt bởi cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) có cơ hội sum họp.
Ngoài tổ chức lễ kỷ niệm Tuyên bố chung liên Triều 15/6, Triều Tiên cũng muốn cả hai nước kỷ niệm ngày ra Thông cáo chung Bắc-Nam 4/7, CPRK cho biết.
Trước đó, Triều Tiên từng đề cập tới các cuộc đối thoại phi chính phủ và riêng tư giữa các doanh nhân và các tổ chức khác nhau nhưng Hàn Quốc thẳng thừng từ chối các động thái như vậy và nói rõ rằng họ chỉ chấp nhận các cuộc đàm phán giữa hai chính phủ để giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn tại.
Theo Sầm Hoa (VNN / Yonhapnews)