Hàn-Trung-Nhật nối lại hợp tác

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về biển Đông, cộng đồng quốc tế đã chú ý đặc biệt đến hội nghị thượng đỉnh ba nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc) lần thứ sáu.

Hãng tin Yonhap đưa tin hội nghị diễn ra tại dinh tổng thống Hàn Quốc ở Seoul vào chiều 1-11. Tổng thống nước chủ nhà Park Geun-hye, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cùng tham dự.

Ba nhà lãnh đạo khẳng định hội nghị lần này là bước khởi đầu cho tiến trình hợp tác ba bên và khôi phục cấu trúc ba bên trong các đối thoại cấp cao.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung về hòa bình và hợp tác.

Về các vấn đề liên quan đến lịch sử, ba nước không đạt được thỏa thuận thực chất. Ba nước chỉ khẳng định nguyên tắc về “một tầm nhìn đúng đắn về lịch sử” và “một tinh thần hướng đến tương lai”.

Ba nước phản đối phát triển hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và đồng ý hợp tác nhanh chóng nối lại đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (từ trái sang). Ảnh: YONHAP

Ba nước nhất trí duy trì ổn định, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực.

Về kinh tế, ba nước thỏa thuận sẽ tăng cường đàm phán về hiệp định tự do mậu dịch giữa ba nước nhằm tiến tới ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (gồm 10 nước ASEAN và sáu nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Úc, Ấn Độ, New Zealand).

Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Park Geun-hye đánh giá hội nghị có ý nghĩa và mang tính lịch sử nhằm khôi phục cấu trúc hợp tác ba bên, bảo đảm hòa bình và thịnh vượng ở Đông Bắc Á.

Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu dè dặt về các vấn đề lịch sử với ngụ ý Nhật phải xem xét lại quan điểm lịch sử nếu muốn tăng cường hợp tác.

Chương trình nghị sự lần này không bàn đến biển Đông. Đây là hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên sau ba năm rưỡi gián đoạn do căng thẳng trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các vấn đề lịch sử liên quan đến ba nước.

Trong khi đó, báo Yomiuri Shimbun (Nhật) đưa tin sau cuộc tập trận Malabar 2015 ở vịnh Bengal (gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ) giữa tháng 10, lần đầu tiên Mỹ và Nhật tập trận ở biển Đông.

Tham gia tập trận có tàu khu trục JS Fuyuzuki (lớp Akizuki) của Nhật và tàu sân bay USS Theodore Roosevelt lớp Nimitz của Mỹ. Hai tàu này từng tham gia cuộc tập trận Malabar 2015.

Cuộc tập trận bắt đầu giữa tuần trước và theo báo Mainichi ngày 10-11 tàu JS Fuyuzuki mới trở về Nhật. Như vậy cuộc tập trận kéo dài gần hai tuần.

Bộ Quốc phòng Nhật cho biết cuộc tập trận này không liên quan đến hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ ở biển Đông và vị trí tập trận không gần quần đảo Trường Sa.

Tạp chí The Diplomat (Nhật) cho biết Mỹ có thể mời Nhật tham gia duy trì tự do hàng hải và bay qua ở biển Đông trong khi Nhật thông báo đã sẵn sàng tuần tra chung với Mỹ.

Tập đoàn truyền thông ABC (Úc) đưa tin các thuyền trưởng hai tàu hộ vệ Úc HMAS Stuart và HMAS Arunta thông báo căng thẳng biển Đông không ảnh hưởng gì đến chuyến thăm Trung Quốc. Thuyền trưởng Cameron Steil (tàu HMAS Arunta) cho biết kế hoạch thăm viếng đã được chuẩn bị từ lâu và tàu Úc đến Trung Quốc để xây dựng quan hệ với hải quân Trung Quốc. Ông cho biết trong tập trận chỉ bắn đạn thật trên quy mô nhỏ với vũ khí tầm ngắn thường được sử dụng trong chống hải tặc, chống khủng bố, chống các mối đe dọa phi truyền thống.

_______________________________________

8 ngày là thời gian công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter bắt đầu từ ngày 30-10. Ông sẽ thảo luận với các đồng minh và đối tác về giai đoạn tái cân bằng chiến lược mới của quân đội Mỹ trong khu vực.

Ba nước chia sẻ trách nhiệm nặng nề đối với hòa bình và ổn định khu vực. Phải củng cố đối thoại và hợp tác ở mọi cấp.

Thủ tướng Nhật SHINZO ABE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm