Hàng chục sinh viên cử tuyển ở Gia Lai “lay lắt” sau ra trường

(PLO)- Gia Lai có 23 trường hợp sinh viên cử tuyển ra trường nhiều năm vẫn chưa được tuyển dụng, nhiều trường hợp chờ gần chục năm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Nguyễn Đình Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, xác nhận trên địa bàn tỉnh có 23 trường hợp sinh viên (SV) tốt nghiệp hệ cử tuyển nhưng chưa được bố trí làm việc theo quy định.

“Những trường hợp này chưa được tuyển dụng do nhiều lý do, sắp tới sở sẽ phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát để đề xuất tham mưu lên UBND tỉnh xem xét bố trí phù hợp với trình độ chuyên môn đào tạo” - ông Tiến nói.

“Lay lắt” sau chín năm ra trường

Năm năm nay, anh Nguyễn Đức Lộc (34 tuổi, ngụ xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, Gia Lai) ký hợp đồng theo từng năm, phụ trách giảng dạy môn vật lý tại một trường THCS thuộc xã vùng III biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Đức Cơ.

Anh Lộc cho biết anh là SV hệ cử tuyển, được UBND tỉnh Gia Lai cử đi học và ra trường năm 2015. Đến nay, anh đã tốt nghiệp được chín năm nhưng vẫn chưa được tuyển dụng. Thời gian đầu, anh ở nhà làm nông chờ đợi. Mãi đến năm 2019, anh mới tham gia giảng dạy thông qua hợp đồng ngắn hạn.

Năm 2020, anh có tham gia kỳ thi sát hạch xét tuyển SV tốt nghiệp hệ cử tuyển vào viên chức giáo viên do Hội đồng thi UBND huyện Đức Cơ tổ chức và đã đạt, đủ điều kiện trúng tuyển.

Sau đó, UBND huyện này có tờ trình gửi UBND tỉnh Gia Lai đề nghị tiếp nhận, tuyển dụng anh vào Trường TH - THCS Lương Thế Vinh ở xã biên giới Ia Pnôn. Tuy nhiên, tháng 10-2021, UBND tỉnh Gia Lai bất ngờ có thông báo “hủy bỏ kết quả tuyển dụng” đối với anh Lộc.

“Tôi đã có đơn đề nghị UBND tỉnh Gia Lai trả lời nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Vấn đề này, từ năm 2021, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời và đề nghị UBND tỉnh Gia Lai tuyển dụng theo chế độ cử tuyển. Thế nhưng đến nay UBND tỉnh Gia Lai vẫn chưa chấp thuận” - anh Lộc cho biết.

sinh viên cử tuyển
Anh Nguyễn Đức Lộc từng là sinh viên cử tuyển, đã làm nhiều đơn kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được tuyển dụng theo hệ cử tuyển. Ảnh: LK

Anh Lộc chia sẻ thêm do công việc lay lắt, mức lương hợp đồng ít ỏi…, vợ anh nhiều lần khuyên anh nghỉ việc. Nhưng do vướng tâm nguyện “làm ông giáo” nên anh không dứt được, sau đó vợ chồng anh nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến chia tay. “Tôi mong muốn được tuyển dụng đúng theo quy định để sớm ổn định công việc và cuộc sống” - anh Lộc nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Phương Thanh (ngụ làng Phăm Kleo Ngol, xã Bar Măih, huyện Chư Sê) được cử đi học cử tuyển ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2009 và ra trường năm 2014, đến nay chị vẫn chưa được tuyển dụng.

Năm 2020, chị Thanh hoàn thành việc sát hạch xét tuyển tại Hội đồng kiểm tra, sát hạch của UBND huyện Chư Sê và đã đạt, đủ điều kiện trúng tuyển. Đến năm 2021, UBND tỉnh Gia Lai ra thông báo hủy kết quả vào công chức phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Chư Sê của chị.

“Do lâu nay tôi không được tuyển dụng đúng quy định theo chế độ học cử tuyển nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến bản thân cũng như gia đình. Tôi cũng có thời gian làm hợp đồng cho một trường học nhưng do quá xa nhà, lương thấp không đủ trang trải cuộc sống nên tôi xin nghỉ việc. Tôi được địa phương cử đi học, giờ ra trường cũng mong muốn được làm đúng ngành nghề được đào tạo” - chị Thanh nói.

Theo chị Thanh, có rất nhiều trường hợp đi học và tốt nghiệp cùng thời điểm với chị đã được tuyển dụng vào công chức, viên chức nhiều năm nhưng chị vẫn chưa được tuyển dụng mà không rõ lý do.

“Nhiều vị trí không còn tuyển dụng”

Theo tìm hiểu của PV, sau khi hai trường hợp trên có đơn, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu Sở Nội vụ xin ý kiến của Bộ Nội vụ. Tháng 5-2022, Bộ Nội vụ đã có văn bản trả lời, hai trường hợp này được cấp thẩm quyền cử đi học, sau khi tốt nghiệp đã được cấp huyện xét tuyển đạt yêu cầu thì “việc phê duyệt kết quả xét tuyển thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh”.

Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh Gia Lai vẫn còn 23 trường hợp cử tuyển (một trường hợp đã ra ngoài tỉnh) chưa được tuyển dụng theo quy định đối với SV hệ cử tuyển. Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Gia Lai đã bố trí việc làm cho 79 trường hợp SV hệ cử tuyển làm công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Tiến cho biết năm 2024 sở đã có thông báo tuyển dụng (đối với SV hệ cử tuyển) nhưng mới có một hồ sơ đăng ký. Đối với những trường hợp chưa được xét tuyển, sở sẽ cho tiến hành rà soát về nhu cầu, vị trí công việc.

Theo ông Tiến, những trường hợp SV hệ cử tuyển đến nay vẫn chưa được xét tuyển có nhiều lý do, như thời gian tham gia học cử tuyển quá dài dẫn đến vị trí tuyển dụng trước đây đã có người thay thế; quy định về tinh giản biên chế và một số người đã có công việc khác.

Ông Tiến dẫn chứng có trường hợp cử đi học bốn năm nhưng đến bảy năm sau SV hệ cử tuyển mới tốt nghiệp, khiến các vị trí tuyển dụng này không còn. Mặt khác, có nhiều trường hợp cùng ứng tuyển một vị trí thì phải có sự cạnh tranh với nhau và được tổ chức xét tuyển công khai.

Sẽ yêu cầu địa phương rà soát

Trước đây, theo Nghị định 134/2006 (đã hết hiệu lực) thì việc cử tuyển ở mỗi địa phương quy định người Kinh không quá 15%. Hiện nay, nghị định này không còn hiệu lực và được áp dụng bằng Nghị định 141/2020 chỉ áp dụng cho đối tượng là người dân tộc thiểu số.

“Đối với những trường hợp chưa được tuyển dụng, tới đây Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai sẽ yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát. Đồng thời lưu ý các địa phương “để dành” các vị trí tuyển dụng ưu tiên cho SV hệ cử tuyển, nếu đạt các điều kiện sẽ tuyển dụng theo quy định” - ông Tiến nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm