Chiều cùng ngày, các ngư dân có tàu đang phải nằm bờ và các hỗ gia đình chính sách, người nghèo ở các xã vùng ven biển Kỳ Xuân, Kỳ Phú và Kỳ Khang, Kỳ Phú (Kỳ Anh) đã được phát gạo đến tận tay. Mỗi ngư dân vùng bị ảnh hưởng trực tiếp được hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu/tháng, trong thời gian 45 ngày. Tổng số gạo đã phát cho ngư dân Kỳ Xuân, Kỳ Phú và Kỳ Khang là hơn 127.000 kg.
Trước tình hình nhiều ngư dân vùng biển thị xã Kỳ Anh đang khó khăn, Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh đang tổ chức trao bảy tấn gạo cho bà con ngư dân.
Ngư dân có tàu cá đánh bắt gần bờ ở thị xã Kỳ Anh, được hỗ trợ gạo.
Ngoài ra tỉnh Hà Tĩnh đã tạm cấp ứng số tiền 750 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2016, cấp hỗ trợ cho thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh để hỗ trợ cho các tổ chức và hộ dân nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại.
Từ ngày 28-4, tại các vùng biển Cương Gián, Xuân Hội, Xuân Liên, Xuân Thành, Xuân Trường, Xuân Yên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tiếp tục xuất hiện rải rác xác cá trôi dạt vào bờ biển. Trong đó, chủ yếu là cá sạo có trọng lượng 0,5- 1,5 kg/con và cá đù có chiều dài 10-20 cm.
Trước tình hình trên, sáng 29-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã đi kiểm tra thực tế tình hình tại các vùng biển Xuân Hội, Cương Gián (huyện Nghi Xuân), xã Thạch Bằng, Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) và chỉ đạo cơ quan chức năng trong tỉnh tiếp tục theo dõi, lấy mẫu phân tích hiện tượng cá chết.
Cá nước ngọt được bày bán nhiều ở chợ Hà Tĩnh
Ông Sơn động viên bà con ngư dân cần bình tĩnh trước sự việc, tiếp tục theo dõi và báo cáo chính quyền địa phương khi có những diễn biến tiếp theo. Đồng thời căn dặn bà con nhân dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm; thận trọng với việc bơm nước biển vào các hồ nuôi trồng thủy sản.
Ghi nhận tại chợ TP Hà Tĩnh và các chợ trong tỉnh Hà Tĩnh, ngày 29-4, nhiều người đi chợ đã bắt đầu chọn mua tôm, cá biển tươi để ăn. Một số người buôn cá biển ở chợ Hà Tĩnh đã chuyển sang buôn bán tôm, cá nước ngọt.