Với các chiến dịch “càn quét” liên tục của mình, một số thương hiệu lớn như LV, Gucci, Lacoste đã đánh bật cả phân xưởng sản xuất hàng giả lớn, buộc họ phải bồi thường thiệt hại một khoản không nhỏ.
“Đánh” ở khắp nơi
Trung tuần tháng 11-2012, đại diện Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết Đội QLTT 3A đã kiểm tra Công ty TNHH Thái Thụy (quận Tân Phú) và Công ty TNHH Đại Huỳnh Gia (quận Tân Phú), phát hiện đang đóng gói và may áo thun giả mạo nhãn hiệu Lacoste với hình con cá sấu, trên cổ áo in dòng chữ “Made in France”. Cùng thời điểm, Đội phát hiện cơ sở thêu gia công (quận Tân Phú) có hai máy thêu đang thêu nhãn hiệu Lacoste và hình cá sấu trên thân áo thun. Kết quả là hơn 17.000 áo thun thành phẩm, hơn 10.000 áo thun bán thành phẩm, 514 kg tem, nhãn giả nhãn hiệu Lacoste và hình cá sấu… đã được tạm giữ từ đợt kiểm tra này.
Điều đáng lưu ý ở đây là chính đội ngũ riêng của Lacoste đã tự điều tra, xác định chính xác các địa điểm trên và báo cho cơ quan chức năng xử lý. Đại diện nhãn hiệu Lacoste tại Việt Nam cho biết từ tháng 7-2011 đến nay Lacoste phát hiện hơn 300 vụ gồm sáu xưởng sản xuất, một xưởng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hai xưởng phải bồi thường thiệt hại với tổng số tiền lên đến 120.000 USD.
Bị truy cứu trách nhiệm hình sự với số tiền khá lớn, các đối tượng vi phạm trên đang phải ra sức thỏa thuận với Lacoste. Đây phải chăng là lời cảnh báo cho các đơn vị làm hàng giả?
Hàng giả được bày bán công khai ở các chợ và một số trung tâm thương mại. Ảnh: TÚ UYÊN
Không chỉ Lacoste, một số thương hiệu quốc tế cao cấp như Louis Vuitton (LV), Gucci cũng có chiến lược cùng đội ngũ chống hàng giả thương hiệu riêng của mình.
Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Luật VNIP, đại diện nhãn hiệu LV tại Việt Nam, cho biết từ năm 2009 LV đã triển khai chiến dịch “dọn dẹp” những nơi có trưng bày hàng giả LV, bất kể số lượng ít hay nhiều. Riêng từ đầu năm, LV kiểm tra hơn 200 vụ. Đối với các đối tượng vi phạm tái phạm nhiều lần, LV đều khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Đơn cử như năm 2010 và 2011, LV khởi kiện năm tiểu thương tại Sài Gòn Square và An Dong Plaza, kết quả tòa án đã buộc các đối tượng vi phạm bồi thường đến hàng trăm triệu đồng.
“Song song với mục tiêu “đánh” hệ thống bán lẻ, LV còn tập trung vào đầu mối, kiểm soát hàng giả đi qua biên giới. Phần lớn hàng giả LV về Việt Nam từ biên giới với Trung Quốc, không qua con đường chính ngạch” - bà Hương nói thêm.
Tương tự, luật sư Phạm Thành Long, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh, đại diện nhãn hiệu Gucci tại Việt Nam, nói ngoài việc “truy quét” các điểm bán, Gucci còn đăng ký giám sát với hải quan để mỗi khi có hàng giả Gucci nhập theo đường hàng không hay đường biển đều kiểm soát được. Ông cũng cho biết các mặt hàng đồng hồ, kính thời trang… giả nhãn hiệu chủ yếu nhập từ Hong Kong, Trung Quốc.
Hầu hết đại diện các nhãn hiệu đều chung nhận định nạn làm hàng giả ngày càng kín đáo và tinh vi hơn nên việc “bắt gian tại trận” không dễ. Họ không tập trung làm tại một địa điểm như trước mà chia nhỏ ra mỗi nơi làm một công đoạn, sau đó gom lại đem tiêu thụ ngay nên ít bắt được số lượng lớn, trừ khi nắm thông tin chính xác đang có lô hàng tập trung chuẩn bị xuất khẩu.
Hiện nay hàng giả các thương hiệu trên vẫn tồn tại các khu chợ, trung tâm buôn bán. Nếu khách muốn đặt hàng vẫn có ngay nhưng người bán không còn dám trưng bày nhiều như trước. “Điều này cho thấy cách chống hàng giả theo chiến lược mà mỗi thương hiệu đầu tư riêng ít nhiều có hiệu quả” - luật sư Phạm Thành Long nhận định.
Mục tiêu vì người tiêu dùng
Vì sao các thương hiệu quốc tế lớn lại ra sức tuyên chiến, tiêu diệt hàng giả trong khi sản phẩm của họ có phân khúc riêng, không phải lo sợ mất nhiều doanh số? Vấn đề này được đại diện một số thương hiệu trả lời rằng nếu hàng giả tràn lan thì nhãn hiệu thật sẽ mất uy tín, giảm hình ảnh trong nhận thức của người tiêu dùng. Đó chính mới là cái mất lớn nhất mà họ sợ.
Tuy nhiên, các chiến lược của họ không thể tránh khỏi một số vướng mắc tại Việt Nam. Theo luật sư Phạm Thành Long, cái khó của DN là khó thuyết phục các cơ quan chức năng xử đi xử lại nhiều lần đối tượng vi phạm. Những người bán lại nghĩ chỉ bị phạt một lần rồi thôi, không bị kiểm tra nữa nên cứ tiếp diễn.
Còn đại diện nhãn hiệu Adidas tại Việt Nam cho biết hàng giả xuất khẩu từ Việt Nam đi Đông Âu chủ yếu là quần áo. Điều này thực hiện khá dễ do cơ quan chức năng chưa đặt nặng việc kiểm tra hàng giả theo đường xuất khẩu, nhất là yếu tố sở hữu trí tuệ. Trong nghị định xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ không hề quy đinh phạt hành vi xuất khẩu, chỉ phạt hành vi sản xuất ra hàng giả.
Thêm nữa, bà Nguyễn Thị Hương, đại diện LV, thông tin một vấn đề mới phát sinh là việc bán hàng giả qua Internet đang ngày càng phổ biến và tinh vi. “Do đó nhất định phải có sự quan tâm, hợp tác từ các lực lượng chức năng liên quan việc chống hàng giả đạt được kết quả tốt nhất” - bà Hương nhấn mạnh.
Trao đổi với PV, ThS luật Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển Thương hiệu và Chất lượng, nói DN Việt Nam cứ nghĩ phải bán được hàng trước, khi nổi tiếng mới đăng ký thương hiệu. Vậy nên mới có chuyện DN gặp hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu của mình đi kêu khắp nơi nhưng bản thân chưa đăng ký bảo hộ thương hiệu thì cơ quan chức năng khó mà giải quyết. Sự hiểu biết về luật pháp của DN còn hạn chế, chưa tận dụng quy định của pháp luật thành công cụ hiệu quả. Có DN không dám cho biết mình bị hàng giả vì sợ người tiêu dùng tẩy chay.
“Vì vậy, lời khuyên đối với DN Việt là nên công khai trên các phương tiện truyền thông để khuyến cáo, bảo vệ người tiêu dùng. Mặt khác, DN phải ý thức bảo vệ ngay từ đầu bằng việc đăng ký với cơ quan nhà nước” - ThS Sinh kết luận.
DN Việt còn trong quá trình xây dựng thương hiệu nên chỉ lo kinh doanh được là tốt rồi. Việc chống hàng giả chưa được đề cao, cũng như chưa có sự cạnh tranh thị trường khốc liệt như thương hiệu nước ngoài. Giá trị thương hiệu và giá trị sản phẩm thấp nên sự xâm phạm ít hơn. Ông NGUYỄN THÀNH DANH,Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương |
TÚ UYÊN