Hàng không nội địa đang hồi phục ngoạn mục

(PLO)-  Với nỗ lực của Chính phủ trong việc chống dịch linh hoạt, thị trường hàng không Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt là thị trường nội địa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Đinh Việt Sơn (Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam) cho biết như trên tại buổi tọa đàm Vietnam Case Study diễn ra sáng 7-6. Sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 tổ chức tại TP Đà Nẵng.

3 cơ hội cho ngành hàng không

Theo ông Sơn, với việc Chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế về đi lại nội địa và quốc tế, năm 2022 dự kiến đạt từ 70 – 80 triệu lượt hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam. Trong đó, khách quốc tế đạt xấp xỉ 10 triệu lượt và khách nội địa đạt 60-70 triệu lượt.

Hiện các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống nhưng số lượng hãng hàng không tham gia thị trường, tần suất khai thác còn hạn chế.

“Thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn chưa được kích hoạt. Thị trường tại châu Âu, đặc biệt là thị trường khách Nga bị đóng băng từ tháng 2 đến nay. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân trong đại dịch bị ảnh hưởng nên họ có xu hướng thắt chặt chi tiêu”, ông Sơn nói.

Đà Nẵng đón chuyến bay Hàn Quốc đầu tiên trở lại thành phố sau dịch bệnh. Ảnh: T.AN

Đà Nẵng đón chuyến bay Hàn Quốc đầu tiên trở lại thành phố sau dịch bệnh. Ảnh: T.AN

Phó Cục trưởng nêu 3 cơ hội đối với ngành hàng không.

Thứ nhất, tình hình kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả tích cực đã đem lại lợi thế rất lớn trong sự cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực về sự ổn định môi trường chính trị xã hội, phòng chống dịch bệnh cho thấy Việt Nam.

Thứ hai là tiềm năng to lớn của thị trường hàng không, du lịch nội địa. Việc dỡ bỏ các hạn chế về phòng chống dịch vào tháng 1 cùng với nhu cầu du lịch nội địa bị kìm nén trong thời gian dài đã tạo điều kiện cho thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh. Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường nội địa đạt 11,5 triệu khách, bằng 98% so cùng kỳ 2019.

Thứ ba là việc nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách quốc tế để kích cầu du lịch. Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia sớm triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách quốc tế để kích cầu du lịch.

“Từ góc độ này, có thể thấy có nhiều tín hiệu tích cực đối với việc phục hồi và phát triển của du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đây chính là cơ hội để các hãng hàng không khôi phục từng bước các hoạt động khai thác quốc tế”, ông Sơn cho hay.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm sáng 7-6. Ảnh: T.AN

Các diễn giả tại buổi tọa đàm sáng 7-6. Ảnh: T.AN

Phó Cục trưởng cho biết phục hồi ngành hàng không là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch. Ngành hàng không Việt Nam đã triển khai hàng loạt các dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng hàng không.

Trong đó quan trọng nhất là các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất hoàn thành trong tháng 4.

Tránh lệ thuộc vào thị trường truyền thống

Tại Đà Nẵng, hiện hoạt động vận chuyển hàng không nội địa đã đạt gần tương đương thời điểm trước dịch, trung bình mỗi ngày có hơn 100 chuyến bay 1 chiều đi/đến Đà Nẵng từ Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột.

Đối với thị trường quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khai thác trở lại các đường bay quốc tế kết nối Đà Nẵng với Thái Lan, Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul và Daegu (Hàn Quốc). Đầu tháng 7 sẽ có đường bay nối Tokyo (Nhật Bản), thêm các hãng mới và tăng tần suất trên các đường bay hiện có.

Bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, cho biết năm 2019, Đà Nẵng đón 31 chuyến bay trực tiếp quốc tế với hơn 500 chuyến bay mỗi tuần. Thành phố đặt mục tiêu khôi phục lại số lượng và tần suất các chuyến bay quốc tế này trong năm 2024.

Khôi phục thị trường khách truyền thống là mục tiêu hàng đầu của Đà Nẵng. Ảnh: T.AN

Khôi phục thị trường khách truyền thống là mục tiêu hàng đầu của Đà Nẵng. Ảnh: T.AN

Hiện tại việc khôi phục thị trường truyền thống là mục tiêu hàng đầu của Đà Nẵng vì đây là những thị trường nguồn với số lượng khách lớn khó có thể thay thế. Các thị trường truyền thống là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Thành phố cũng đã đặt mục tiêu đa dạng hóa thị trường nguồn khách để tránh lệ thuộc các thị trường truyền thống và dự phòng những rủi ro. Đến thời điểm này yêu cầu thiết lập các thị trường nguồn khách mới càng trở nên cấp thiết.

“Sau khi Việt Nam hoàn toàn mở cửa du lịch thì các thị trường truyền thống của Việt Nam đang gặp “một số trục trặc” như chưa mở cửa hoặc người dân còn dè dặt, hệ sinh thái sản phẩm-dịch vụ vẫn chưa được tái lập. Trong khi các thị trường Đông Nam Á và thị trường Ấn Độ đang có chính sách mở cửa tích cực, cùng với mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, có thể dự báo tiềm năng lớn trong trao đổi thương mại – du lịch”- bà An cho hay.

Cũng theo bà Hoài An, với những lợi thế về vị trí điểm đến, cơ sở hạ tầng và sản phẩm dịch vụ, Đà Nẵng đã và đang lên kế hoạch khai thác khách MICE, khách nghỉ dưỡng biển và khách golf.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm